Sign In

Thôn '5 không' bừng sáng nhờ làm du lịch

10:14 30/05/2023
Thôn Khe Phương như thay da đổi thịt sau khi trưởng thôn trẻ ở đây lấy du lịch nông thôn để phát triển kinh tế.

Thôn “5 không”

Thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cách trung tâm TP Hạ Long khoảng 2 giờ chạy xe. Nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi cao hiểm trở cùng những cánh rừng xanh bạt ngàn, cảnh vật hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ, trái ngược với sự ồn ào, vồn vã nơi phố thị.

Khoảng hơn 10 năm trước, người dân thôn Khe Phương sinh sống ở địa bàn hiểm trở, giao thông, liên lạc khó khăn. Vậy nên, cuộc sống luôn quẩn quanh với cái nghèo, dạ dày lúc nào cũng trong tình trạng sôi ùng ục vì không đủ ăn. 

Người dân thôn Khe Phương làm đường để thuận tiện trong việc đi lại, buôn bán. Ảnh: Nguyễn Thành
Trở lại Khe Phương sau nhiều năm, nhìn con đường được bê tông hóa nối trung tâm xã Kỹ Thượng đến thôn, tôi lại nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Lúc bấy giờ, con đường độc đạo từ thôn tới trung tâm xã dài gần 9km lởm chởm đất đá với những đoạn lên dốc, xuống đèo liên tục. Ngày ấy, tôi phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ mới tới Khe Phương. Càng di chuyển xa trung tâm xã Kỳ Thượng, những mái nhà càng thưa thớt, khung cảnh heo hút, tĩnh lặng.

Trong khoảng thời gian ít ỏi được trải nghiệm cuộc sống ở Khe Phương, tôi càng thấu hiểu hơn những khó khăn của bà con nơi đây. Vào ngày trời khô ráo, đường đất dễ đi, còn mỗi khi mưa lớn, con đường đầy bùn sình, lầy lội đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Những chiếc lốp xe đặc quánh đất, rồ ga hết cỡ vẫn quay mòng mòng tại chỗ, quần áo, mặt mũi ai cũng lấm lem, nhìn nhau cười như mếu. 

Ông Linh Du Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng tâm sự, Khe Phương từng là thôn “5 không” của xã: Không điện, không đường, không nước sạch, không trạm phát sóng, không trường học kiên cố. Những câu chuyện dở khóc dở cười mà người dân Khe Phương thường kể là về sóng điện thoại tậm tịt lúc có lúc không. Nhiều khi, bà con phải tìm đến dốc cao nhất, cầm điện thoại trèo lên ngọn cây, tay huơ liên tục để bắt sóng nhưng có lúc cũng chẳng ăn thua. 

Thế nhưng, tất cả những khó khăn ấy đã trở thành quá khứ, ước mơ về những con đường bê tông thẳng tắp và sóng điện thoại phủ rộng khắp thôn bản đã trở thành hiện thực. Giờ đây, người dân Khe Phương có thể tập trung sản xuất, thắp lên hi vọng vào một tương lai tươi sáng, ấm no hơn. 

Những vị trưởng thôn đam mê làm du lịch

Lau vội giọt mồ hôi đang túa ra trên trán, anh Bàn Văn Vi (trưởng thôn Khe Phương) chăm chú nấu những món ăn đặc sản địa phương phục vụ đoàn khách du lịch mới đến thôn. Thấy tôi, anh Vi nói vọng ra: “Chờ mình chút nhé, sắp xong đây rồi, nay có khách từ Hà Nội xuống nên hơi bận một chút”. Vừa dứt lời, anh Vi lại cười tít mắt, nụ cười đã trở thành “thương hiệu” của vị trưởng thôn mới ngoài 30 tuổi. 

Dưới căn nhà sàn làm từ gỗ sa mộc thoang thoảng hương thơm, anh Lý Tài Ngân (nguyên trưởng thôn Khe Phương) đang dẫn du khách đi trải nghiệm các dịch vụ tại mô hình du lịch giữa núi rừng trùng điệp. 

Từ khi sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long (tháng 1/2020), anh Vi, anh Ngân và một số hộ dân trong xã đã ấp ủ dự định phát triển mô hình du lịch sinh thái để đón khách. Theo đó, những thanh niên đứng đầu thôn có chung ý tưởng đã thu mua gỗ từ các hộ dân trong thôn để xây nhà sàn đón khách du lịch. 

Mô hình du lịch cộng đồng mang tên Kỳ Thượng Am Váp Farm ra đời từ sự mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm của anh Vi cùng những con người mang trong mình tình yêu mãnh liệt với mảnh đất tươi đẹp này. 

Quy mô của Am Váp Farm chỉ rộng chừng 300m2, cũng là diện tích sân của nhà anh Vi trưởng thôn. Sau 2 năm, anh Ngân, anh Vi cùng 4 người bạn khác của mình đã dựng lên 2 ngôi nhà sàn với 4 phòng lưu trú tập thể, có sức chứa tối đa khoảng 40 người, cùng một nhà hàng bằng gỗ. Những nét văn hoá đặc trưng thông qua trang phục, công cụ lao động của người Dao được sắp đặt khéo léo tại đây. 

“Những ngày đầu bắt tay vào công việc cũng là những ngày quên ăn quên ngủ”, anh Vi tâm sự. “Toàn bộ công trình đều do người địa phương góp sức làm, từ xây nhà, xây kè, trồng cây… chứ chúng tôi không phải thuê người dưới xuôi”, anh Ngân nói thêm. 

Với sự chung tay của người dân địa phương, những ngôi nhà sàn theo kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số dần thành hình. Cùng với đó là vườn hoa rực rỡ sắc màu cũng do chính tay người dân trong thôn chăm chút, tưới tắm từng ngày, biến nơi đây thành điểm check-in không thể bỏ qua với khách du lịch đam mê trải nghiệm mới lạ. 

Những ngày cuối tuần, thôn Khe Phương lại rộn ràng tiếng nói cười của du khách thập phương. Từ giữa năm 2022, nơi đây đã trở thành điểm đến "gây sốt" của khách du lịch, đặc biệt là khách đi phượt, nhóm gia đình, bạn bè hay khách theo đoàn. 

Đến với Khe Phương, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, khoáng đạt với rừng trúc, rừng dổi nguyên sinh được người Dao gìn giữ, được chèo thuyền trên các con suối nhỏ và thưởng thức món ăn từ cá suối, ốc suối, khoai sọ nương, gà bản..., được ngâm, tắm lá thuốc người Dao... 

Nguyên trưởng thôn Khe Phương, anh Lý Tài Ngân hiện đang là Giám đốc Công ty Am Váp Farm. "Ban đầu người dân không ủng hộ lắm. Tuy nhiên khi du khách lên đây, bà con có thể bán khoai sọ nương, rau cải, mật ong... trực tiếp cho du khách nên người trong bản dần rất ủng hộ. Bà con cũng đi hái lá thuốc trên rừng để cung cấp cho công ty để tạo thêm thu nhập". 

Du lịch cộng đồng đang giúp bà con thiểu số cải thiện cuộc sống, tự tin giao tiếp, biết giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là lan tỏa những giá trị văn hóa hóa đặc sắc của người bản địa. 

“Chúng tôi đang bàn với các hộ dân khác trong thôn xây dựng từ 1 - 2 phòng lưu trú hoặc cho chúng tôi thuê lại đất để tạo thêm phòng ở cho du khách, có như thế chúng tôi mới dám ký hợp đồng với các công ty lữ hành để làm tour”, anh Ngân chia sẻ. 

Nếu ý định này thành công, người dân Khe Phương sẽ không chỉ có thêm thu nhập từ việc cho khách tham quan nhà ở và bán nông sản như hiện nay, mà còn từ việc làm dịch vụ lưu trú, nghỉ qua đêm.  

Hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của dân tộc thiểu số đến với đông đảo du khách. Đặc biệt, loại hình du lịch này đã giúp người dân nhận ra nhiều giá trị, phát huy ý chí tự chủ, tự vươn lên. Số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở Khe Phương giảm mạnh, chỉ còn dưới 10%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 55 triệu đồng/năm. 

Chủ động, đổi mới cả tư duy và cách làm, người dân Khe Phương nói riêng và Kỳ Thượng nói chung đang nỗ lực ngày đêm, lao động miệt mài với mong muốn gắn du lịch cộng đồng với xây dựng NTM để khi hình dung về Kỳ Thượng, sẽ là những tour du lịch kết nối rừng - biển, là một công viên rộng lớn mang trên mình màu xanh ngút ngàn của núi rừng. 

Nguồn: NNVN

Tag:

File đính kèm