Thấm nhuần công tác dân vận khi đảm nhiệm Chủ tịch Hội ND huyện
Từng trưởng thành qua rất nhiều vị trí công tác trước khi trở thành người đứng đầu chính quyền của huyện, bà Cát Tiên cũng có một thời gian làm Chủ tịch Hội Nông dân của huyện.
Bà cho chúng tôi biết, thời gian làm thủ lĩnh Hội Nông dân đã giúp bà có kinh nghiệm rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở những vị trí cao hơn. Đó chính là sự đằm tính khi đánh giá một sự việc, mà rõ hơn là tính dân vận luôn được bà đề cao khi xử lý các tình huống. Với bà nếu mình làm dân vận khéo thì mọi việc sẽ trở lên dễ dàng hơn rất nhiều. Ở vai trò Chủ tịch Hội ND, bà đã đi sâu, đi sát với người nông dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ để tháo gỡ mọi vướng mắc. Là một huyện thuần nông, người nông dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, do xuất phát điểm là một bác sỹ thú y nên việc tiếp cận, giúp đỡ bà con nông dân vượt khó vươn lên luôn được bà hiểu và quan tâm hàng đầu.
Là người con của Quảng Trị, nhưng từ lâu Xuân Lộc luôn được bà Cát Tiên coi là quê hương thứ hai của mình. Trong bất kỳ công việc nào bà cũng đều dành hết tâm huyết để đem lại kết quả cao nhất.
Sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện, bà Cát Tiên hiểu rõ nhiệm vụ chính trị của địa phương trong việc phát triển kinh tế xã hội, giữ an ninh trật tự chính là đẩy mạnh việc giữ vững những kết quả đã đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Điều này được thấy khá rõ khi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ huyện, xã, thôn hàng năm đều hoàn thành ở mức cao; Người dân hồ hởi góp công, góp sức xây dựng làng xóm ngày càng trở nên xanh, sạch, đẹp. Theo bà Cát Tiên, các gốc của mọi vấn đề chính là ý thức của người dân, nếu chính quyền đổi mới trong công tác tuyên truyền, đưa ra những công việc của dân, do dân và vì dân thì người dân sẽ luôn đồng lòng hưởng ứng.
Đến những trăn trở với mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Giữa trưa Hè tháng Tư nóng bức, giờ làm việc buổi sáng đã kết thúc từ lâu, nhưng bà Cát Tiên vẫn say sưa kể cho chúng tôi nghe về những kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.
Trong vô vàn những thuận lợi thì cũng không phải là không có những khó khăn. Khó khăn ở đây chính là những yêu cầu cao hơn trong bộ tiêu chí mới. Đơn cử như việc thực hiện hoả táng trong ma chay của người dân vẫn chưa tìm được lối thoát. Muốn làm được điều này thì không thể làm trong một sớm một chiều, vì văn hoá chôn cất đã từ lâu đi vào trong tiềm thức của người dân.
Kế đó là việc áp dụng số hoá ở các khu dân cư, trong gia đình và trong mỗi người dân cũng gặp trở ngại do không ít người dân lớn tuổi, thiết bị lạc hậu nên việc áp dụng 4.0 cũng là một điều khó khăn. Tuy nhiên, huyện cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để quyết tâm thực hiện được việc này, không để khoảng cách công nghệ thông tin giữa khu vực thành thị và nông thôn quá xa…
Và những thành quả khi đưa kinh tế huyện vững bước đi lên
Trên gương mặt kiên nghị của vị thủ lĩnh chính quyền huyện Xuân Lộc, chúng tôi đọc được ở đó những việc mà nhiều đêm đã làm bà trăn trở. Tuy nhiên, bà Cát Tiên tin tưởng rằng dù có khó khăn, nhưng không thể dừng bước. Mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ bằng sức mạnh của tập thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bằng sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và tập thể lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan chuyên môn….
Là người quyết đoán, nhưng mọi việc từ to đến nhỏ, bà đều mang ra dân chủ bàn bạc kỹ lưỡng, chỉ đến khi có sự đồng thuận cao nhất thì bà mới bắt tay vào thực hiện. Vào thời điểm hiện nay, đội ngũ công chức, viên chức của huyện đa phần đều có trình độ đại học trở lên. Để làm được điều đó bà luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn và có hướng cho đi đào tạo chuyên môn. Từ chỗ có trình độ chuyên môn học ở trường lớp cộng với thực tiễn ở cơ sở, các vị trí đầu việc của huyện đều vận hành như một cỗ máy trơn tru.
|
Bà Cát Tiên tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 3 từ phải sang) tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Trang Trại Việt |
Sự đồng sức, đồng lòng của cả một tập thể là yếu tố then chốt để phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc đang dần trở thành hiện thực. Cụ thể, đến năm 2022, đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 9/14 xã đã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đến năm 2024 sẽ đạt huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững; thu nhập bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt trên 220 triệu đồng/ha...
Theo cánh tay chỉ của bà Chủ tịch huyện, trước mắt chúng tôi là cảnh đường làng ngõ xóm rợp bóng cờ, nhà cửa khang trang. Bà vui mừng cho biết, đời sống của người nông dân của huyện Xuân Lộc năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù do dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nhưng kinh tế của huyện vẫn giữ vững ở mức cao. Nếu như trước đây người dân trong huyện còn bấp bênh chạy theo câu chuyện được mùa và mất mùa. Thì nay, do huyện tập trung cơ cấu lại cây trồng, hoạch định có chiến lược các vùng nguyên liệu nên mọi việc đã được giải quyết. Theo bà Cát Tiên, yếu tố để ổn định kinh tế chính là phải xác định được cây trồng, vật nuôi mũi nhọn làm bàn đạp để phát triển kinh tế ổn định lâu dài.
Huyện Xuân Lộc đang từng ngày thay da, đổi thịt và xứng đáng là huyện nông thôn mới kiểu mẫu ở tương lai gần. Đó chính là kết quả ghi nhận sự cố gắng của từng người dân trong huyện, của cả một hệ thống chính trị hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Và người có một phần đóng góp không nhỏ chính là bà Nguyễn Thị Cát Tiên - Chủ tịch UBND huyện.