Tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, do địa hình chia cắt, diện tích lúa nước lại nhỏ lẻ không thể xây dựng công trình thủy lợi lớn, với tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng trong huyện đã chủ động, tự làm hàng chục công trình thủy lợi nhỏ dẫn nước về đồng phục vụ sản xuất đảm bảo an ninh lương thực và có cuộc sống ngày càng ấm no.
Giữa tiết trời oi nóng, dòng nước từ công trình thủy lợi dài hơn 1km do người dân thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ rông bảo nhau tự làm vẫn đều đặn chảy về tưới mát cho cánh đồng lúa nước Đăk Kring rộng 8ha. Công trình thủy lợi nhỏ lấy nguồn nước từ con suối trong rừng tự nhiên, đường mương dẫn nước được đào men theo các sườn đồi. Tại những điểm trũng hay vị trí muốn dòng nước chảy theo ý mình, người dân tận dụng cây đùng đình rồi bổ đôi, đục bỏ lõi tạo thành máng nối lại với nhau đưa nước vượt chướng ngại.
Anh A Thoát, Thôn trưởng Long Láy rất 2 tự hào khi nói về công trình thủy lợi nhỏ độc đáo và hiệu quả cao của người dân 2 thôn: “Hai thôn tập hợp bàn bạc, tập trung một tuần. Hình thức làm thì nói chung bà con đoàn kết hết. Bà con cùng nhau tự huy động, tự làm cái kênh để có nước để tưới tiêu cánh đồng này. Có kênh mương thủy lợi thì nói chung bà con rất là mừng”.
Xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông có 7 thôn với tổng dân số gần 1.700 người và 98% là dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Do địa hình đồi núi chia cắt mạnh, bởi vậy dù có tới 104ha đất sản xuất lúa nước nhưng phần lớn diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên chính quyền không thể đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi lớn phục vụ sản xuất. Trước thực tế trên người dân trong xã chủ động bảo nhau tự làm 19 công trình thủy lợi nhỏ chủ động được nguồn nước tưới cho 70ha lúa nước.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu cho biết, chính nhờ những công trình thủy lợi nhỏ mà người dân tự làm, những năm gần đây diện tích lúa nước của xã luôn cho năng suất đạt yêu cầu. Cũng đã nhiều năm nay người dân không còn phải đề nghị chính quyền hỗ trợ lương thực cứu đói thời điểm giáp hạt. Cùng với đó, người dân cũng tự giác bảo nhau cùng bảo vệ rừng để giữ nguồn nước tưới cho ruộng đồng.
|
Mương dẫn nước được người dân thiết kế tránh tảng đá to |
Ông Lê Văn Hoàng nhấn mạnh: “Nhận thức của bà con hiện nay đối với giữ rừng đầu nguồn để đảm bảo nguồn nước cho phát triển cây nông nghiệp và định hướng phát triển cây dược liệu rất tốt. Bà con thường xuyên tổ chức tuần tra, đặc biệt là đối với những diện tích mà trước đây phát rẫy thì hiện nay bà con đã tập trung trồng lại cây rừng”.
Toàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum hiện có 1.270ha lúa nước vụ mùa, gần 40 công trình thủy lợi của huyện do Nhà nước đầu tư đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 780ha. Đối với gần 500ha còn lại bà con Xơ Đăng ở 11 xã trong huyện tự bảo nhau góp công sức làm các công trình thủy lợi nhỏ để có nước phục vụ sản xuất. Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết đồng hành cùng người dân, hàng năm chính quyền huyện chỉ đạo các xã cử cán bộ đi rà soát, kiểm tra công trình thủy lợi người dân tự làm. Đối với những công trình bị sạt lở hay đứt gãy máng nước hỗ trợ rọ đá và ống nhựa cho người dân sửa chữa khắc phục. Nhờ huy động được nguồn lực từ nhân dân, huyện duy trì được sản xuất và đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.
Ông Phạm Xuân Quang cho biết: “Huyện Tu Mơ Rông đồi núi chia cắt các công trình thủy lợi suất đầu tư rất lớn. Vì vậy bà con tự làm thủy lợi thì huyện luôn luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con. Phong trào làm thủy lợi thì tất cả các xã trên địa bàn huyện đều thực hiện. Những xã bị chia cắt, khó khăn thì bà con luôn luôn có ý thức tự mở những thủy lợi nhỏ. Bà con khi có ruộng nước ổn định thì đó là thuận lợi để đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế phát triển nương rẫy”.
Nhờ tinh thần chủ động, tự làm hàng chục công trình thủy lợi nhỏ dẫn nước về đồng, diện tích cây lúa nước của người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum ngày càng được mở rộng và nâng cao về năng suất. Đảm bảo được lương thực cho gia đình, những năm gần đây gần 7.000 hộ dân Xơ Đăng của huyện Tu Mơ Rông đã mạnh dạn đầu tư phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: cà phê xứ lạnh, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, mắc ca… Đến nay cùng với việc không còn hộ đói, mỗi năm huyện Tu Mơ Rông giảm được từ 6-8% hộ nghèo cao hơn mục tiêu giảm nghèo mà tỉnh Kon Tum đề ra.