Cùng với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, Quảng Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Trong đó có những địa danh đã nổi tiếng cả nước như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng mộc Kim Bồng, làng nước mắm truyền thống Cửa Khe, làng cổ Lộc Yên…
Từ những địa điểm này, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần làm đa dạng hóa loại hình du lịch dịch vụ, giảm áp lực lên các điểm du lịch chủ yếu của Quảng Nam là phố cổ Hội An và di sản văn hóa Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, du lịch nông thôn cũng giúp cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nông dân.
Năm 2023, tỉnh Quảng Nam dự kiến triển khai 3 mô hình: Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An); Mô hình phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng làng Mường (xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My) và mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình).
|
Làng mộc Kim Bồng (TP Hội An) là 1 trong 3 địa điểm mà tỉnh Quảng Nam dự kiến triển khai mô hình du lịch nông thôn trong năm 2023. Ảnh: L.K |
Theo Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam), ngoài thực hiện các mô hình thí điểm này, đơn vị cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ chung cho phát triển du lịch nông thôn của tỉnh. Trong đó có thể kể đến như đào tạo, tổ chức các đoàn farmtrip, presstrip khảo sát, tư vấn xây dựng chương trình du lịch, kết nối các tuyến điểm du lịch nông thôn tỉnh Quảng Nam và khu vực lân cận; xây dựng phim quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn và quảng bá trên các chương trình truyền hình, các trang mạng xã hội…
Qua công tác rà soát, đánh giá, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM ở Quảng Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Theo quy hoạch NTM trước đây, các địa phương chưa định hướng được phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng hoặc có nhưng chất lượng quy hoạch trong phát triển du lịch chưa tốt; thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành cho phát triển du lịch.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế, giao thông chưa kết nối đồng bộ. Lao động du lịch nông thôn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng. Cùng với đó, lượng khách đến điểm du lịch không thường xuyên, dẫn đến thu nhập từ hoạt động du lịch còn thấp.
Từ thực tế này, bà Nguyễn Thị Linh Phượng, Phó phòng Quản lý Du lịch cho rằng, để các mô hình phát huy được hiệu quả thì cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư tại các điểm du lịch nông thôn, đảm bảo không phá vỡ cảnh quan, môi trường. Đồng thời, thu hút nhà đầu tư các sản phẩm du lịch nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ sản phẩm du lịch này.
Thêm nữa, cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn để tránh sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.
“Trước mắt, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên, đầu tư nguồn lực để tập trung thực hiện một số cơ chế, chính sách, đề án đã ban hành như: Phát triển kinh tế vườn, trang trại, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, chính sách về làng nghề… Lồng ghép, thực hiện tốt chính sách về tín dụng; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Trong đó ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, khai thác du lịch tại khu vực nông thôn”, bà Nguyễn Thị Linh Phượng chia sẻ. |