Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm OCOP
Trong thời gian qua, với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, từ đó đã có nhiều vùng sản xuất hàng hóa được hình thành.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sản phẩm được thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa. Các sản phẩm đã ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị, uy tín trên thị trường…
Livestream bán hàng giúp nông sản Thái Nguyên ngày một vươn xa
Tính đến tháng 3/2024, Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm OCOP (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao). Đây là một lợi thế rất lớn để các sản phẩm của tỉnh tham gia các sản thương mại điện tử, nền tảng xã hội, bởi chất lượng các sản phẩm đã được các ngành chức năng thẩm định và đánh giá. Theo ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng và sản phẩm OCOP nói chung trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua đã giúp cho các chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường.
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã chủ động xây dựng và phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản, OCOP của tỉnh, mời các chuyên gia bán hàng Tiktoker về Thái Nguyên để chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ các chủ thể và bán hàng trực tiếp trên những nền tảng số. Từ đó đã góp phần hình thành tư duy mới trong việc bán hàng cho các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn bàn” - ông Hưởng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Ba – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Miến Việt Cường (tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trong quá trình phát triển sản phẩm miến của HTX, chúng tôi đã được hỗ trợ rất nhiều từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, không chỉ hỗ trợ cho HTX xây dựng sản thành công phẩm đạt OCOP đạt 5 sao, còn luôn giúp chúng tôi về cách tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ, thương mại và đặc biệt là bán hàng trên nền tảng công nghệ số. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng số
Để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn hiểu và bán hàng trên nền tảng số, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo: “Chuyển đổi số trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP”; Hội thảo về “Giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong trồng, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm Chè tỉnh Thái Nguyên”; Hội nghị triển khai, hướng dẫn các chủ thể OCOP tạo lập, thương mại điện tử trên nền tảng số Tiktok và áp dụng các mô hình kinh tế số; Hội thảo kết hợp Livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên…
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tích cực với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản. Hiện đã có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; đưa sản phẩm lên sàn Potsmart và sàn Vỏ Sò được 3.240 sản phẩm; tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cho trên 2.600 cơ sở, hộ sản xuất; mở gian hàng cho gần 2.200 cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp...
Cũng từ đó phong trào livestream bán hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, nhiều buổi Livestream: “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”; “Chợ phiên OCOP - Thái Nguyên 2023”, “Ngày hội kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp nông thôn; giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2024”… đã đem lại những kết quả rất tích cực.
Theo ông Trần Nho Hưởng, tại các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng công nghệ số giúp các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên tiêu thụ rất thuận lợi. Ngoài các “tiktoker chuyên nghiệp” được mời tới thì các “tiktoker địa phương” - chủ thể có các sản phẩm OCOP cũng tham gia bán hàng và bước đầu có được những thành công nhất định.
Các Tiktoker bán hàng chuyên nghiệp đến với Thái Nguyên đã có nhiều những chia sẻ hữu ích, “cầm tay, chỉ việc” cho các chủ thể OCOP trên địa bàn từ việc: Xây dựng kênh bán hàng, cách làm livestream, chốt đơn… giúp cho các chủ thể OCOP tự tin bán hàng.
Chị Ngô Thị Liên – HTX chè La Bằng (huyện Đại Từ) cho hay: Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian qua đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng trên các nền tảng số, nên HTX ngoài kênh bán hàng truyền thống, đã tổ chức các buổi livestream bán hàng, vì vậy đã có được rất nhiều các khách hàng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Có thể thấy việc tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số (Tiktok, Zalo, Youtobe, Facebook)… không chỉ giúp các chủ thể sản xuất ở Thái Nguyên quảng bá sản phẩm rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu mà còn giúp họ tìm kiếm được thị trường và mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững. Những giải pháp này đã và đang góp phần quan trọng để phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của Thái Nguyên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế và có mặt nhiều hơn trên thị trường ngoài nước.