Thay mặt đoàn ĐBQH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, ông Trình Lam Sinh đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tại kỳ họp.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được chia làm 2 đợt họp tập trung (đợt 1 từ ngày 22/5-10/6; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6). Tại kỳ họp, có 1.533 lượt ĐBQH phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 3 phiên thảo luận tại đoàn ĐBQH; 1.415 lượt đăng ký, 695 lượt ĐBQH phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận hội trường; 454 lượt ĐBQH đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Với không khí làm việc sôi nổi, dân chủ và đoàn kết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 luật, 17 nghị quyết với tỷ lệ tán thành rất cao; đồng thời, đã cho ý kiến lần đầu 9 dự án luật khác (riêng Dự án Luật Đất đai được lấy ý kiến lần 2); giám sát tối cao chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác của đất nước.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, có 9 ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tham dự đầy đủ các phiên thảo luận theo chương trình kỳ họp. Tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường ĐBQH đơn vị tỉnh đã tích cực nghiên cứu các tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ… Kết quả có 30 lượt ý kiến phát biểu, 6 lượt đăng ký chất vấn.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, có 9 ý kiến xoay quanh việc bình ổn giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu; tình trạng được mùa mất giá của nông dân; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường có bằng Đại học nhưng không xin được việc làm phải "giấu" bằng cấp đi làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ; chính sách đối với người có công, dân công hỏa tuyến; chính sách với người cao tuổi; chính sách và hạ tuổi hưu đối với giáo viên mầm non; vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề giám sát của ĐBQH, nhất là vấn đề giáo dục, sách giáo khoa; vấn đề khám chữa bệnh theo BHYT còn nhiều bất cập, thiếu thuốc; khai thác cát phục vụ làm cao tốc, sân bay...
Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN, ĐBQH tỉnh An Giang tiếp thu ý kiến của bà con cử tri thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới.
Đồng thời, với trách nhiệm là ĐBQH, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN sẽ cùng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tổng hợp ý kiến bà con cử tri phản ánh Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, lãnh đạo địa phương, để có ý kiến trả lời bà con cử tri. Đoàn ĐBQH sẽ giám sát việc trả lời của các cơ quan có liên quan.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tiếp thu ý kiến và trao đổi thêm với bà con cử tri một số vấn đề có liên quan. Ảnh: Hồng Cẩm |
Trao đổi thêm với bà con cử tri về vấn đề giá vật tư nông nghiệp tăng cao và đầu ra nông sản của bà con nông dân còn bấp bênh, được mùa mất giá. ĐBQH, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN, chia sẻ: Nước ta là nước nông nghiệp, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề nông nghiệp và coi nông nghiệp là lợi thế quốc gia và nông nghiệp - nông dân - nông thôn là trụ đỡ của ngành kinh tế, được khẳng định qua các thời kỳ của đất nước.
Về vấn đề vật tư, hóa chất để chế tạo thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài nên giá thành rất cao. Thời gian qua đã có nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ có cơ chế miễn giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng này và trong thời gian tới đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tiếp tục kiến nghị Chính phủ, về giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng giá nông sản của người dân không tăng.
Về vấn đề đầu ra nông sản còn bấp bênh, điệp khúc được mùa mất giá liên tục diễn ra, ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân, ĐBQH, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN cũng lý giải thêm: Thời gian qua giống, nhất là giống lúa nước ta khá tốt, có nhiều giống lúa chất lượng cao, nổi tiếng trên thế giới; tuy nhiên các loại giống cây trồng khác như: Xoài, mít, chôm chôm, sầu riêng... chủ yếu nhập từ nước ngoài, chất lượng không đồng đều, liên quan bản quyền giống nên vấn đề xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Hội Nông dân Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT cần có cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà khoa nghiên cứu giống, để tạo nhiều chủng loại giống thương hiệu riêng của Việt Nam.
Từ thực tiễn trên, ĐBQH, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN mong bà con nông dân cần liên kết trong sản xuất, tạo nên vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất đồng bộ; đảm bảo chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nhà máy trên địa bàn.
Về thực trạng ngày càng nhiều sinh viên ra trường phải "giấu" bằng Đại học để đi làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ, ông Lương Quốc Đoàn trao đổi: Thực trạng chung ở nước ta là còn nhiều gia đình tìm đủ mọi cách cho con em vào đại học, chưa quan tâm ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động. Trong khi đó đất nước mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, thị trường lao động theo nhu cầu doanh nghiệp... nên mới có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ... Chính vì vậy Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn...
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khẳng định Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư hết sức quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, việc thu hồi tiền tham tham nhũng, lãng phí rất khó khăn, bất cập...