Sign In

Huyện miền núi khó khăn vươn lên đạt “chuẩn nâng cao”

16:50 29/04/2024
Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Tiên Yên cùng với huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên trong cả nước theo bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025. Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hiện Tiên Yên trở thành một hình mẫu trong xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh.

 

Đồng bào các dân tộc quyết tâm xây dựng NTM

 
Tiên Yên là huyện miền núi nằm ở trung tâm miền Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, địa hình có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, đất canh tác trồng trọt chỉ chiếm 6% trong tổng diện tích tự nhiên. Năm 2010, Tiên Yên bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp. Khi đó Tiên Yên chỉ đạt 2/19 tiêu chí, 10/39 chỉ tiêu của huyện đạt chuẩn NTM, các xã đều chưa đạt trên 50% tiêu chí. Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh cùng sự quyết liệt và đồng bộ, nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, sau 10 năm, Tiên Yên đã có bước tiến rất quan trọng trong xây dựng NTM.

 

Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và phòng chức năng xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng từng tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. 

 

Anh-tin-bai

Tuyến đường "xanh - sạch - đẹp" tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên

 
Ngay từ cuối năm 2021, huyện Tiên Yên đã tập trung rà soát, đăng ký nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án đảm bảo đạt chuẩn NTM nâng cao; xây dựng kế hoạch cụ thể hoàn thành các tiêu chí; thành lập tổ công tác hỗ trợ xây dựng triển khai thực hiện chương trình… Bên cạnh đó, huyện cũng phân công các cơ quan, ban, ngành hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ các xã là Hải Lạng, Đại Dực, Hà Lâu hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022.

Bằng nhiều nguồn lực, huyện đã đầu tư, xây dựng và hoàn thành 80 công trình như: Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thể thao xã, đường giao thông, điện chiếu sáng… với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng. Hàng loạt công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư đã giúp nông dân chủ động nước tưới, phủ xanh cho hàng ngàn hecta đất canh tác thiếu nước...., đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành xây dựng NTM nâng cao.

Nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện đã triển khai hiệu quả đề án phát triển cây ăn quả tập trung; ưu tiên mở rộng các vùng sản xuất, danh mục sản phẩm lợi thế của địa phương, nhất là sản phẩm thuộc Chương trình “2 con, 1 cây”; nhân rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn loài cây lim, giổi, lát… 

Từ chỗ độc canh cây lúa, cây ngô, hiện nay nông dân Tiên Yên đã chủ động nâng cao thu nhập bằng chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, từ Đề án "2 con, 1 cây", nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt ra đời, góp phần giúp đồng bào các dân tộc nơi đây thay đổi tư duy, cách làm, tự tin vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với đó, huyện cũng tích cực triển khai các nội dung trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như: Trồng khảo nghiệm giống lúa J02; nghiệm thu, lựa chọn công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi cho gà Tiên Yên; xây dựng và triển khai dự án chọn lọc giống gà Tiên Yên; lập Đề án phát triển cây ăn quả tập trung huyện Tiên Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững

 
Huyện Tiên Yên đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với phát huy thế mạnh địa phương. Nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt góp phần giúp đồng bào các dân tộc nơi đây có tư duy mới, cách làm mới. Nổi bật, huyện tích cực phát triển chăn nuôi gà Tiên Yên bản địa bằng các chính sách hỗ trợ giống, lãi suất vốn vay cho các hộ nông dân. Tập trung phát triển cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 24 trang trại, gia trại tổng hợp theo mô hình VietGAP chăn nuôi gà Tiên Yên. Năm 2023, toàn huyện duy trì, phát triển quy mô sản xuất giống đạt 13.000 gà bố, mẹ, sản xuất trên 1 triệu con giống gà Tiên Yên; tổng đàn gà thương phẩm xuất bán đạt trên 1,2 triệu con.

 

Từ hộ nghèo, anh Lý Đức Bảo, người dân tộc Dao Thanh Y - một trong những người tiên phong đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên ở xã Phong Dụ chia sẻ, trong quá trình chăn nuôi anh được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về giống, vốn... nhất là từ Hội Nông dân, Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn kỹ thuật từ chăm sóc con giống, phòng trừ bệnh dịch, đến xây dựng chuồng trại vệ sinh môi trường. Đến nay, tổng đàn gà Tiên Yên của anh Bảo đã chạm ngưỡng 1 vạn con. Anh Bảo còn giúp đỡ bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm để họ yên tâm hơn khi chăn nuôi giống gà này. Ông Phùn Tắc Sếnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Dụ cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên của anh Lý Đức Bảo đã mở ra hướng đi mới để người dân địa phương học tập trong việc phát triển kinh tế, từ thoát nghèo đến làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương”.

Ngoài ra, huyện Tiên Yên còn có 2 sản phẩm chủ lực là tôm công nghiệp và cây dược liệu. Trong đó, có khoảng 300 hộ nuôi tôm với những vùng nuôi tập trung được hình thành tại các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng, Đồng Rui với gần 880ha diện tích nuôi quảng canh và gần 330ha diện tích nuôi thâm canh. Đồng thời, để phát triển cây dược liệu một cách hiệu quả, huyện đã lập quy hoạch đến năm 2030 dành trên 100ha để sản xuất gắn với việc thành lập các vườn mẫu trồng cây dược liệu, khuyến khích người dân sản xuất - kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ...

Huyện cũng chủ động triển khai hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân như: Ứng dụng công nghệ và thiết bị sơ chế, bao gói, bảo quản gà Tiên Yên, quy mô tập trung 1.200 con/ca sản xuất; ứng dụng công thức phối trộn thức ăn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gà Tiên Yên, tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử… Nhờ đó, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn dưới 0,2%.

Từ một địa phương có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp đến nay huyện Tiên Yên đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao.

Tag:

File đính kèm