Sign In

Phú Thọ: Đẩy mạnh công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

00:00 06/05/2024
(Mặt trận) -Phú Thọ có 17,4% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống tập trung ở địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đổi mới công tác dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững.

 Thực hiện tốt công tác dân vận, đồng bào DTTS huyện Thanh Sơn đã đưa các giống chè có năng suất, chất lượng vào trồng, mang lại thu nhập ổn định.

Các huyện, xã có đông đồng bào DTTS đã xây dựng, triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” như: “An ninh tự quản”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội”. Với phương châm “huyện chọn xã, xã chọn khu, khu chọn việc”, các địa phương đã triển khai thực hiện “Tháng Dân vận” như Thanh Sơn, Đoan Hùng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nguồn kinh phí tập trung ở một xã, một số khu còn khó khăn góp phần tạo điều kiện cho cơ sở xây dựng thiết chế văn hóa khu dân cư, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Các ban an ninh trật tự, tổ liên gia tự quản, dòng họ tự quản về an ninh trật tự và các cụm liên kết bảo vệ an ninh trật tự xóa sơ hở vùng giáp ranh được các địa phương duy trì có hiệu quả góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các địa phương đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vận động đồng bào thi đua sản xuất giỏi, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo”, vận động người dân thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS&MN được triển khai kịp thời, góp phần làm thay đổi hạ tầng kinh tế- xã hội vùng dân tộc và miền núi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao.

Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, đến hết năm 2023, các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra đến 2025 của vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh đều đạt hoặc tiệm cận so với kế hoạch đề ra như: 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,77% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện hợp pháp khác; 96,6% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% học sinh mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học đến trường; 100% khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng; 5/5 huyện thuộc vùng DTTS&MN có hội trường kiêm nhà văn hóa cấp huyện...

Đồng chí Cầm Hà Chung - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Để tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác dân vận, công tác dân tộc, gắn với đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, các chính sách dân tộc và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động người dân phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN với các địa phương khác.

Nguyên An

Tag:

File đính kèm