Sign In

Ngành Ngân hàng quyết tâm thúc đẩy dòng vốn xanh phục vụ phát triển bền vững

22:55 25/09/2024
Ngày 25/9, Ngân Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) tổ chức Tọa đàm “Hướng tới một tương lai bền vững: Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc”. Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng dự và chủ trì tọa đàm; cùng dự có ông Lee Hyung Ju - Uỷ viên thường trực Hội đồng điều hành của FSC, ông Lee Hang-yong, Chủ tịch Hội đồng hợp tác Tài chính Quốc tế Hàn Quốc (CIFC).


Các đại biểu tham dự Tọa đàm Hướng tới một tương lai bền vững

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay với nhiều vấn đề môi trường và xã hội nổi cộm, chính phủ các nước đã và đang tập trung chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững, vừa theo đuổi giá trị kinh tế vừa đảm bảo các cam kết vì lợi ích cộng đồng.

Là lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi và kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư và áp dụng các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

image

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

 

Phó Thống đốc nhận định, về cơ bản đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy dòng vốn xanh phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, định hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG.

Thay đổi nhận thức về tài chính xanh bền vững

Theo ông Lee Hyung Ju, Ủy viên thường trực Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đánh giá cao việc áp dụng ESG trong hoạt động của các TCTD và doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông cũng cho rằng vấn đề về biến đổi khí hậu và thực thi ESG đang là vấn đề toàn cầu và có nhiều thách thức. Thời gian qua hai nước đã có những hợp tác rất tốt trong lĩnh vực này và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước để phát triển tài chính xanh bền vững.

image

Ông Lee Hyung Ju - Uỷ viên thường trực Hội đồng điều hành của FSC phát biểu tại buổi tiếp

 

Theo ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (VCL) thuộc NHNN, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã xây dựng và củng cố hành lang pháp lý từ rất sớm, thể hiện qua những văn bản, như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN (năm 2015) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 1663/QĐ-NHNN ngày 6/8/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN (năm 2018) cho phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển xanh trong nước và trên thế giới. Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020)...

Đến cuối năm 2023, 100% các ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 17 NHTM có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Đến 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trên cơ sở quy định, chính sách của NHNN, hệ thống các TCTD đã có sự thay đổi căn bản về nhận thức hướng tới hoạt động bền vững. Nhiều TCTD đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Đồng thời, các TCTD cũng dành sự quan tâm lớn tới các hoạt động xanh hóa ngân hàng thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hướng dẫn nội bộ về môi trường làm việc xanh, tích cực tham gia hỗ trợ các dự án cộng đồng về môi trường.

Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường; Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp là xu thế không thể thay đổi, bên cạnh các cơ hội vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi.

Mặc dù những kết quả đạt được là tương đối tích cực, việc áp dụng ESG trong hoạt động của các TCTD Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu và còn đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Các chính sách liên quan và hành lang pháp lý cho ESG hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Đến nay quy định về phân loại xanh quốc gia và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Khái niệm ESG đối với nhiều doanh nghiệp và các TCTD vẫn là khái niệm mới. Nhận thức hạn chế về ESG vẫn là cản trở cho tầm nhìn chiến lược, làm chậm quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững yêu cầu chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi các TCTD phải sở hữu tiềm lực tài chính nhất định để đầu tư cho công nghệ, đào tạo nhân viên, xây dựng cơ sở dữ liệu…

Tăng cường hợp tác trong triển khai ESG

Ông Kim Young-do, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Tài chính Hàn Quốc cho rằng, tính bền vững đang trở nên thiết yếu chứ không phải là một lựa chọn. Do đó các tổ chức tài chính cần chủ động chuẩn bị cho sự thay đổi về chính sách và khung pháp lý. Quản lý rủi ro khí hậu và ESG trong các tổ chức tài chính cần được giải quyết theo từng giai đoạn, có tinh đến thực tế và năng lực quản lý và cơ sở hạ tầng của mỗi tổ chức.

image

Các đại biểu tại tọa đàm

Qua hai phiên chia sẻ trao đổi của Tọa đàm, nhiều tổ chức tín dụng, chuyên gia hai nước Việt Nam, Hàn Quốc cũng đã thảo luận các vấn đề như “Sáng kiến ​​ESG của Ngân hàng Shinhan”; “Những sáng kiến Môi trường - Xã hội - Quản trị của Agribank”; “Tài chính xanh KODIT và Hệ thống đánh giá ESG”; “Phân tích các sáng kiến ​​ESG của Việt Nam”; “Tăng cường tính bền vững thông qua Mô hình định giá carbon”... Làm rõ những vấn đề lý luận chung về vai trò của ESG trong hoạt động kinh doanh ngân hàng; xu hướng ESG toàn cầu và các sáng kiến ESG của hệ thống ngân hàng; Thảo luận về những sáng kiến và thực tiễn triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng Việt Nam; rút ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, hạn chế đó.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được lắng nghe những ý kiến quý giá của các chuyên gia Hàn Quốc, đã mở ra nhiều góc nhìn mới và sáng tạo về cách thức triển khai thực hiện ESG trong thực tiễn. Từ những kinh nghiệm của Hàn Quốc về việc thực thi ESG trong hệ thống ngân hàng đến các mô hình đánh giá ESG hiệu quả tại các tổ chức tài chính Hàn Quốc, và những giải pháp đề xuất những giải pháp thực tế và khả thi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn này vào hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững nền kinh tế củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia.

HP- Ảnh:MT

Tag:

File đính kèm