Sign In

Báo cáo Phát triển bền vững góp phần hiệu quả vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030

18:03 06/06/2024
Ngày 06/6, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững: Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai”. Tham dự Tọa đàm có TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam; Đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, đại diện các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu…


Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc tọa đàm

Vai trò quan trọng của Báo cáo Phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp đang ngày càng phát huy vai trò của mình trong phát triển bền vững; ý thức về việc chịu trách nhiệm cho những tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội do mình tạo ra trong toàn bộ chuỗi giá trị. Các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cũng ngày càng quan tâm, ban hành quy định và chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG và công bố thông tin Báo cáo Phát triển bền vững. Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, hướng tới hài hòa mối quan hệ giữa các bên liên quan là chiến lược thiết yếu đối với thành công trong dài hạn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, để góp phần làm tăng giá trị của doanh nghiệp và tối ưu hóa lợi ích hoạt động kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp cần công bố thông tin về phát triển bền vững ra công chúng nhằm tăng cường sự minh bạch thông tin của doanh nghiệp và đạt được sự thừa nhận từ bên ngoài. Do đó, Báo cáo Phát triển bền vững ra đời và ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng.

image

Toàn cảnh tọa đàm

Báo cáo Phát triển bền vững là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững. Báo cáo Phát triển bền vững có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp; không chỉ giúp các doanh nghiệp củng cố tăng cường hợp tác với các bên liên quan, nhà đầu tư và cộng đồng mà còn giúp các doanh nghiệp tăng cường quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những công cụ giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bền vững, bảo đảm trách nhiệm giải trình. Các Báo cáo Phát triển bền vững sẽ góp phần hiệu quả vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp đã dần nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã tiên phong trong lập Báo cáo Phát triển bền vững ngay từ khi chưa có quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc lập Báo cáo Phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tổ chức, doanh nghiệp còn chưa hiểu biết nhiều về Báo cáo Phát triển bền vững và còn thiếu một số kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc thực thi Báo cáo Phát triển bền vững.

Xuất phát từ thực tiễn trên, để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về thực hành Báo cáo Phát triển bền vững; đồng thời, tạo diễn đàn trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm dành cho các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người làm thực tế, Phó Thống đốc đề nghị các diễn giả, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận rõ các nội dung sau: (i) Các vấn đề về thực tiễn triển khai ESG và thực hành Báo cáo Phát triển bền vững tại các tổ chức tín dụng Việt Nam - Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; (ii) Khung khổ pháp lý, quy định, chính sách… liên quan đến việc thực hành Báo cáo Phát triển bền vững tại các tổ chức tín dụng Việt Nam; (iii) Vai trò, tầm quan trọng của quá trình phát triển bền vững và xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững đối với các tổ chức, doanh nghiệp; (iv) Chia sẻ kinh nghiệm hữu ích về các tiêu chuẩn Báo cáo Phát triển bền vững; hướng dẫn, tư vấn về nội dung và cách lập báo cáo; xây dựng quy trình công bố thông tin, thực hành Báo cáo Phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; (v) Đề xuất những giải pháp, khuyến nghị phù hợp trong việc thực thi phát triển bền vững, công bố Báo cáo Phát triển bền vững và để Báo cáo Phát triển bền vững được áp dụng một cách phổ biến trong các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng.

image

Sharon Machado - Giám đốc Phát triển bền vững, ACCA Toàn cầu chia sẻ tại tọa đàm

Trao đổi tại tọa đàm, bà Sharon Machado - Giám đốc Phát triển bền vững, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) Toàn cầu cho rằng, việc tạo lập và sử dụng các thông tin liên quan đến tính bền vững sẽ giúp các tổ chức, các nhà quản lý xác định và quản lý rủi ro liên quan đến phát triển bền vững một cách tốt hơn, qua đó mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh bền vững cho các tổ chức, đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế tài chính cho các tổ chức này.

Ngành Ngân hàng đang hướng đến việc mở ra nhiều cơ hội liên quan đến kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội thì sẽ có các rủi ro liên quan đến tính bền vững của ngân hàng như: Rủi ro về suy giảm lợi nhuận hoặc tổn thất đối với các khoản đầu tư, do các rủi ro của người vay hoặc việc bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường tài chính xanh đang phát triển… Các thông tin liên quan đến phát triển bền vững sẽ hỗ trợ việc phân tích và ra quyết định, giúp cho các tổ chức có thể tuân thủ các quy định và nhận biết được những yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững hơn”, bà Sharon Machado nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp Quỹ đầu tư Dragon Capital, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, báo cáo về ESG đã trở thành một yêu cầu thiết yếu đối với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp. Hiện nay, ước tính có khoảng hơn 600 tiêu chuẩn báo cáo về ESG với hơn 500 chỉ số đo lường trên toàn cầu. Các nỗ lực tiêu chuẩn hóa báo cáo ESG đang được thúc đẩy mạnh mẽ để đảm bảo tính minh bạch và nhất quán, đồng thời ngăn chặn tình trạng công bố thông tin phát triển bền vững không trung thực hoặc không đầy đủ.

Ngành Ngân hàng ngày càng quan tâm hơn tới Báo cáo Phát triển bền vững

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và định hướng triển khai tín dụng xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành Ngân hàng tại Việt Nam”, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nêu rõ, thời gian qua, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy tín dụng xanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... Đồng thời, NHNN cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các Đề án, Chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.

Từ năm 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Điều này cho thấy, các giải pháp triển khai của ngành Ngân hàng đã góp phần thúc đẩy tín dụng xanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng còn một số khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng cần phải nỗ lực triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.

Trên cơ sở đó, các giải pháp mà NHNN đưa ra gồm: Một là, hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Hai là, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng đa dạng sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh; Ba là, tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng - ngân hàng xanh như: Tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng và cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, tham gia các diễn đàn quốc tế về tài chính bền vững; tích cực đàm phán nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện các dự án xanh.

image

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ tại tọa đàm

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm hơn tới Báo cáo Phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng Báo cáo Phát triển bền vững được công bố bởi các tổ chức tín dụng thời gian qua còn khá khiêm tốn: Một số ngân hàng đã công bố Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank); một số ngân hàng khác lồng ghép Báo cáo Phát triển bền vững vào báo cáo thường niên…

một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất Việt Nam vừa công bố Báo cáo Phát triển bền vững với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh”, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết, báo cáo này dày 112 trang truyền tải các thông tin về định hướng, chiến lược, các cam kết bền vững và thực hành ESG của BIDV trong năm 2023.

Trên cơ sở chỉ ra thực trạng quá trình thúc đẩy phát triển bền vững tại BIDV, Tổng giám đốc BIDV cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng trong việc tiếp cận và chuyển dịch hoạt động, đóng góp vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia.

Tại Tọa đàm, các ý kiến trao đổi tại phiên thảo luận giữa đại biểu tham dự và các nhà quản lý, các chuyên gia đã kịp thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Tọa đàm; đồng thời, chia sẻ, phân tích kinh nghiệm, hướng dẫn thực hành lập Báo cáo Phát triển bền vững trong các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các TCTD Việt Nam.

image

Các diễn giả tại Phiên thảo luận

Các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học… đều đánh giá Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng Việt Nam nói riêng là rất quan trọng và cần thiết để giúp doanh nghiệp có thể mô tả cam kết của mình với những mục tiêu phát triển bền vững; công bố và thể hiện các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị cũng như tiến độ đạt được các mục tiêu đó. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hành Báo cáo Phát triển bền vững như: Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cho việc công bố thông tin về phát triển bền vững bao gồm việc xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ và rõ ràng, dựa trên việc tham khảo và điều chỉnh các tiêu chuẩn, hướng dẫn phát triển bền vững quốc tế theo điều kiện thực tế của Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn chi tiết về việc công bố thông tin phát triển bền vững phù hợp với luật pháp và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để giúp tăng tính minh bạch và đánh giá hiệu quả của thông tin báo cáo. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công bố thông tin trách nhiệm như: Tăng cường đào tạo, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức và kỹ năng về thực hành Báo cáo Phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự tham gia và nâng cao chất lượng của thông tin báo cáo; thiết lập cơ chế khuyến khích rõ ràng như ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính để động viên các doanh nghiệp thúc đẩy lập Báo cáo Phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc xây dựng dữ liệu phát triển bền vững cũng cần sự hợp tác của nhiều cơ quan và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính toàn diện và minh bạch của thông tin. Trong đó, NHNN và Bộ Tài chính là những cơ quan đóng vai trò quản lý, chỉ đạo và giám sát về kế toán, báo cáo tài chính và có thể thúc đẩy các chuẩn mực Báo cáo Phát triển bền vững thông qua việc ban hành quy định pháp lý và hỗ trợ.

Tọa đàm đã tạo ra một diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về các tiêu chuẩn Báo cáo Phát triển bền vững từ tổ chức quốc tế uy tín; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức tín dụng về sự cần thiết của việc thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong ngành Ngân hàng và xây dựng quy trình công bố thông tin, thực hành Báo cáo Phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

My, ảnh: MT

Tag:

File đính kèm