Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí ngân hàng cho biết, thời gian qua, toàn ngành ngân hàng đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Song, cùng với quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa ngân hàng, hệ thống thông tin của các tổ chức trong ngành Ngân hàng được đầu tư với quy mô ngày càng lớn nên dễ bị tổn thương hơn, trong khi đó các biện pháp giải pháp về an ninh, an toàn bảo mật chỉ có thể giảm thiểu, không thể loại trừ triệt để các rủi ro về an ninh, an toàn thông tin mạng.
NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tương đối toàn diện, trở thành nền tảng quan trọng giúp các đơn vị trong ngành định hướng đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách an toàn, bảo mật. Kết quả này đã góp phần giữ vững sự thông suốt, an toàn cho hệ thống thông tin, dữ liệu của các tổ chức tín dụng (TCTD), giúp các TCTD bảo vệ tài sản và dữ liệu, đồng thời nâng cao khả năng phát hiện, đối phó kịp thời với tội phạm mạng và gian lận tài chính.
Tuy nhiên, ngành Ngân hàng Việt Nam thuộc nhóm phải chịu số lượng lớn các cuộc tấn công từ tội phạm mạng. Tội phạm lừa đảo đang có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn, công nghệ sử dụng của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, thay đổi nhanh, khó lường, tập trung tấn công vào các hệ thống thông tin có nhiều lỗ hổng và nhóm khách hàng dễ bị tổn thương.
Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí ngân hàng - Bà Nguyễn Thị Thanh Bình phát biểu tại Tọa đàm
Tăng cường phối hợp liên ngành và liên minh các TCTD
Tại Tọa đàm, ông Hoàng Minh Tiến - đại diện Cục Công nghệ Thông tin, NHNN cho biết, thời gian qua, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các quy định, chính sách về an toàn thông tin, đạt những kết quả tích cực với một hệ thống thông tin hoạt động an toàn, liên tục, cung cấp dịch vụ trực tuyến 24/7; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp an toàn thông tin với các trang thiết bị cơ bản, tổ chức triển khai thông tin dữ liệu dự phòng, sao lưu, ứng dụng Quản lý sự kiện và thông tin bảo mật (SIEM), Điều phối, tự động hóa và phản hồi bảo mật (SOAR)... Các cán bộ công nghệ thông tin, an toàn thông tin thường xuyên tổ chức diễn tập, phối hợp với các TCTD tham gia ứng cứu sự cố với kịch bản ứng cứu sự cố khoa học, chặt chẽ… Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là khi số lượng các cuộc tấn công mạng liên quan đến ngân hàng ngày càng gia tăng với nhiều phương thức, công nghệ mới, có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động xuyên biên giới.
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, NHNN đã tiếp cận vấn đề liên quan tới hoạt động thanh toán (với 90% số lượng giao dịch thực hiện trên kênh số) từ sớm khi triển khai các chương trình phối hợp liên ngành, đặc biệt là với các đơn vị A04, A05 và C06 thuộc Bộ Công an với mục tiêu xác minh thông tin chính chủ tài khoản.
Mặc dù đạt được những kết quả cực kỳ khả quan ngay từ ngày đầu áp dụng quy định mới liên quan, vẫn còn tồn tại những khó khăn như đối tượng chuyển sang sử dụng tài khoản doanh nghiệp là doanh nghiệp “ma” khó kiểm soát. Do đó, NHNN dự kiến chỉ đạo triển khai xác thực sinh trắc học cho doanh nghiệp, yêu cầu TCTD bắt buộc xác thực người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trước khi mở tài khoản, đồng thời tiếp tục phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hệ thống các TCTD.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường - Đại diện Cục an ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an (A05) cho biết, việc phối hợp giữa các ngành, giữa nội bộ các đơn vị trong ngành là yếu tố cần được lưu tâm và đẩy mạnh. Bởi khi dòng tiền được kiểm soát, tỉ lệ lớn sẽ giúp xóa bỏ các hành vi phạm tội của các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Điều này trở thành điểm yếu của chúng vì khả năng phân chia, luân chuyển dòng tiền đã được kịp thời ngăn chặn.
Theo ông Cường, thời gian qua NHNN và Bộ Công an đã liên tục phối hợp, ban hành nhiều chính sách giúp ngăn chặn hiệu quả hành vi lừa đảo qua không gian số như: ký kết Quy chế phối hợp; Kế hoạch thực hiện Đề án 06,… Việc ban hành các Quyết định 2345, Thông tư 17, 18, 50… của NHNN đã trở thành một những giải pháp rất quan trọng trong việc phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngành ngân hàng.
Mặc dù vậy công tác phòng ngừa tội phạm là một quá trình dài và khó khăn, nhận thức của người dân chưa đồng đều, do đó không chỉ riêng ngành ngân hàng và cơ quan công an mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cốt yếu là nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang là vấn nạn của những quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam, bởi sự thay đổi nhanh chóng về phương thức, thủ đoạn phạm tội- Đại diện A05 Bộ Công an cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Đại diện A05 Bộ Công an phát biểu tại Tọa đàm
Từ góc độ tổ chức tín dụng, bà Nguyễn Thị Phương Thúy - Giám đốc Trung tâm Quản lý rủi ro hoạt động - Khối Quản trị rủi ro TPBank cho biết, thời gian qua, nhờ việc linh hoạt ứng dụng các giải pháp với nền tảng pháp lý, công nghệ, quản trị rủi ro và truyền thông, công tác bảo vệ khách hàng, ngăn ngừa rủi ro trong sử dụng dịch vụ, thanh toán trực tuyến tại TPBank đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, do tội phạm ngày càng tinh vi hơn. Để xử lý vấn đề này, quy trình phối hợp với các cơ quan chức năng và phối hợp liên ngành giữa các TCTD cần tiếp tục được hoàn thiện, cụ thể hơn,…
Đại diện các NHTM cũng đề xuất phương án xây dựng hệ thống kết nối liên thông giữa các TCTD, tài khoản của khách hàng có gắn tích xanh đối với người dùng đã được xác thực CCCD gắn chip và sinh trắc học, từ đó giúp nhận diện mức độ “uy tín” của khách hàng và tăng cường khả năng truy vết dòng tiền của tội phạm, thu hồi tối đa tài sản bị đánh cắp cho khách hàng,…
Nâng cao nhận thức là vấn đề “gốc rễ”
Các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị tham dự Tọa đàm có chung nhận định rằng, công tác phối hợp liên ngành, liên minh giữa các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả đối với công tác phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin cho hoạt động ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên cần chú trọng giải quyết vấn đề từ “gốc rễ”, đó là nâng cao nhận thức, kiến thức cho chính những khách hàng về lĩnh vực tài chính ngân hàng, giúp đội ngũ cán bộ ngành ngân hàng hiểu rõ về an toàn an ninh mạng, đẩy mạnh công tác kiểm soát nội bộ để kịp thời tìm ra sơ hở.
Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ truyền thông, NHNN chia sẻ trong phiên Thảo luận của Tọa đàm
Liên quan đến nội dung này, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, với bối cảnh thực tiễn như hiện nay, việc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin ngành ngân hàng gắn liền với công tác bảo vệ người dùng khi họ sử dụng dịch vụ tài chính, ở đây trực tiếp là khách hàng của các NHTM. Theo đó, một trong bốn yếu tố trụ cột cần phải được bảo đảm thực hiện chính là công tác truyền thông đại chúng, nâng cao nhận thức về tài chính ngân hàng của người dân, củng cố kiến thức cho họ để có khả năng tự nhận diện và tự bảo vệ bản thân mình khỏi những đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao hết sức tinh vi như hiên nay.
Ngoài ra, công nghệ cũng là trụ cột không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của công nghệ cũng tạo ra nhiều thách thức trong công tác truyền thông khi trình độ, kiến thức của người dân liên quan đến tiếp cận những công nghệ này còn hạn chế. Nhiệm vụ của truyền thông đối với vấn đề này là tuyên truyền, giới thiệu để người dùng biết cách sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đồng thời, cảnh báo các nguy cơ mất tiền cho họ bằng nhiều cách khác nhau dựa trên sự tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo mật của các ngân hàng.
Tuy nhiên, bà Sen cho hay, “tội phạm của ngày hôm qua thì hôm nay đã khác”, trên thực tế, nhiệm vụ truyền thông trong ngành Ngân hàng gặp nhiều trở ngại do khó để theo kịp các hình thức lừa đảo tinh vi, đặc biệt là những biến tướng khó lường của tội phạm như giả danh giáo viên, tội phạm liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, lợi dụng tình cảm cá nhân… Do vậy, Vụ Truyền thông NHNN đã tích cực phối hợp với các TCTD, các đơn vị truyền thông tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hay các chương trình truyền hình như “Tay hòm chìa khóa”, “Tiền khéo tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”… với cách thức chọn thời điểm trước giờ phim truyện để thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về tiêu dùng tài chính thông minh sẽ tiếp tục là mục tiêu hàng đầu trong công tác truyền thông của NHNN, đây vừa là nhiệm vụ nhưng đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Theo đó, Vụ Truyền thông NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, gồm các TCTD, các cơ quan truyền thông, báo chí, các trường học để hướng đến đa dạng các đối tượng công chúng, tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính cho giới trẻ, đồng bào vùng sâu, vùng xa... Ngoài ra, không ngừng đổi mới các phương thức nghiệp vụ như tạo ra các chương trình trên các nền tảng mạng xã hội, mượn hình ảnh những người có tầm ảnh hưởng rộng (KOLs, KOCs..), người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực để tuyên truyền chính sách, pháp luật, đồng thời học tập nhiều kinh nghiệm của truyền thông của các Ngân hàng Trung ương, chẳng hạn như NHTW Hồng Kông, sáng tạo với các bài hát tuyên truyền với nội dung đơn giản, dễ hiểu, tăng khả năng tiếp cận và thu hút đông đảo sự quan tâm, theo dõi từ người dùng.
Các đại biểu tham dự toạ đàm cũng cho rằng cần tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của khách hàng để biết cách ứng phó với đối tượng lừa đảo. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân để không trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo như cho thuê tài khoản, làm thuê việc chuyển tiền.
HP/ Ảnh: HY