Hội nghị do Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đồng chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, UBND 12 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, NHNN chi nhánh các tỉnh và các TCTD trên địa bàn,...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, lúa gạo là một trong các ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án).
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đồng chủ trì Hội nghị
Từ trước khi Đề án ra đời, NHNN đã chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh: Tổ chức thường xuyên các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, Hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng ĐBSCL. NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN
Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 9/2024, tín dụng đối với ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023 (cao hơn so với tốc độ tăng dư nợ lúa gạo toàn quốc 7,31%), chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao NHNN và các TCTD thời gian qua đã tham gia tích cực tất cả chương trình phát triển kinh tế xã hội tại Đồng Tháp. Riêng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, với 8 chính sách rất cụ thể đã hỗ trợ cho các lĩnh vực như lúa gạo, thủy sản, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… đóng góp nhiều giá trị cho lĩnh vực kinh tế chủ chốt của tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1%.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng mong muốn các cơ chế chính sách của Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tăng cường liên kết, gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo, đảm bảo người nông dân khai thác tối ưu trên mảnh đất của mình.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã báo cáo về tình hình triển khai Đề án theo Quyết định 1490/QĐ-TTg; công tác triển khai hướng dẫn nội bộ của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) về Chương trình cho vay ưu đãi 01 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Đặc biệt, các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân chia sẻ về dự kiến, kế hoạch tham gia Đề án, các khó khăn phải đối mặt để các bên có liên quan cùng chung tay tháo gỡ...
Đại diện Agribank - đơn vị chủ lực thực hiện chương trình, Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án, vào tháng 11/2023, Agribank đã ký kết hợp tác với Bộ NN&PTNT để làm đầu mối triển khai Đề án. Sau khi có hướng dẫn, Agribank cũng nhanh chóng chỉ đạo các chi nhánh khu vực Tây Nam Bộ thông tin cụ thể triển khai toàn hệ thống chi nhánh ở 12 tỉnh thành khu vực ĐBSCL (trừ Bến Tre) để chuẩn bị các phương án, giải pháp hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án về chính sách, quy trình thủ tục; đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn đề tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai Đề án. Lãnh đạo Agribank cũng khẳng định sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cả ngắn hạn và trung, dài hạn cho chương trình.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tại An Giang, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng... cũng đã có các phát biểu, đánh giá cao việc triển khai Đề án. Thông qua thực hiện liên kết, người nông dân đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu canh tác, tưới tiêu, trồng trọt..; Doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nguồn hàng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính; Sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo uy tín và cam kết không phá vỡ thỏa thuận trong mô hình chuỗi liên kết, có sự chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia khi giá cả thị trường biến động; Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong các khâu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong chuỗi khi vay tại TCTD được hưởng các ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, thủ tục, hồ sơ được đơn giản hóa;... Các doanh nghiệp cũng mong muốn được đáp ứng nguồn vốn vay trung dài hạn để đầu tư nhà máy sấy, kho chứa,... nhằm kịp thời thu mua lúa và chế biến gạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao chỉ đạo của NHNN với Agribank ngân hàng tiên phong tham gia Đề án. Dự án được Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách, phần còn lại huy động nguồn lực xã hội. Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án do NHNN chỉ đạo thực sự là cú hích thúc đẩy các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia nhằm đạt được mục tiêu cao nhất của Đề án là tổ chức lại hoạt động sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL, giúp đem lại giá trị cao nhất cho ngành sản xuất lúa gạo và cho người nông dân.
Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, để triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả cao nhất, cần sự phối hợp triển khai đồng bộ của Bộ NN&PTNT, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong việc kịp thời tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, giao cơ quan chuyên môn của địa phương, căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật theo Đề án... để các TCTD tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh 12 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL chỉ đạo, theo dõi sát sao việc cho vay theo Chương trình của các chi nhánh Agribank trên địa bàn; Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho NHNN, UBND tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cho vay.
Agribank đẩy mạnh cho vay theo Chương trình, tăng cường công tác truyền thông, thông tin tại vùng ĐBSCL để các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân biết và tiếp cận chính sách.
Phó Thống đốc tin tưởng, với sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của Bộ, ngành, địa phương và của các TCTD, trong đó trước mắt là Agribank, thời gian tới sẽ là các TCTD khác tham gia đảm bảo cho vay đúng đối tượng, nguồn vốn cam kết đảm bảo cung ứng đủ vốn cho chương trình này, việc triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án sẽ đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành hàng lúa gạo, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
An Lý