Sign In

Đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật để ngăn chặn lừa đảo qua không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng

18:02 13/05/2024
Ngày 13/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Sự kiện do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công an. Dự Hội thảo có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Phạm Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi cùng gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp.

left center right del
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến TTATXH, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepfake giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.

Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là sự chung tay của các doanh nghiệp trong Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, công tác phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, từ đó đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để trong thời gian tới.

Hội thảo do Bộ Công an chỉ đạo tổ chức, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra, đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Chia sẻ tại Hội thảo, Trung tướng  Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, hoạt động của các loại tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Trong năm 2023, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng. “Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết.

Liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng trong hoạt động ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Phạm Tiến Dũng cho biết, trên thực tế, đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có ba hình thức chính thường gặp nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng, đó là: Thao túng tâm lý để người dùng tự nguyện chuyển tiền đến các tài khoản khác do tội phạm chỉ định; Chiếm dụng máy của người sử dụng và tiếp tục các thao tác khác; và Lấy thông tin trên thiết bị của người dùng chuyển sang thiết bị khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN luôn có chỉ đạo sát sao đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) để phòng tránh, hướng dẫn và cảnh báo cho khách hàng về các hành vi lừa đảo.

Phó Thống đốc chia sẻ, phòng ngừa hành vi lừa đảo qua mạng luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển của ngành, và tính chất số liệu quan trọng, ngành Ngân hàng luôn coi an ninh, an toàn, bảo mật là điều kiện trọng yếu, coi an ninh bảo mật là điều kiện trọng yếu, phòng ngừa rủi ro mất tài sản cho khách hàng. Mặc dù vậy, đây cũng trở thành một khó khăn khi ngành Ngân hàng có đặc thù nghiệp vụ khác biệt với khối lượng và quy mô giao dịch lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên 95% số lượng giao dịch thanh toán được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy; với tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 830.000 tỷ đồng/ngày. 

Cơ hội và thách thức luôn tồn tại song song, đặc biệt khi nền kinh tế bước vào giai đoạn cao trào của chuyển đổi số, do đó, để thực hiện hóa các giải pháp phòng, chống lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng kịp thời các quy chế quản lý để truy vết nhanh các đối tượng lừa đảo và bảo vệ người dùng.

Nhiều người dân lo ngại khi cài các ứng dụng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại thoải mái cài đặt các ứng dụng của các nền tảng xuyên biên giới, mà các ứng dụng này có nhiều nội dung xấu không được chặn, lọc. Nhiều biện pháp công nghệ để chống lừa đảo trên không gian mạng đã được áp dụng nhưng công nghệ liên tục thay đổi, các đối tượng sẽ tận dụng chính công nghệ mới để có cách thức mới để lừa đảo, vì thế, luôn cần xác định có giải pháp giữa công nghệ với công nghệ, con người với con người để không bị tụt hậu, Theo Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

image

Quang cảnh Hội thảo

 

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi lừa đảo qua mạng

Thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tập trung tham mưu xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng; Triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân triển khai hiệu quả, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo. Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, vừa qua NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, thống nhất đưa ra những giải pháp đối với vấn đề lừa đảo trên không gian mạng. Tháng 4.2023, NHNN cùng với Bộ Công an ký Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24.4.2023 triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bao gồm 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn kết nối cơ sở dữ liệu dân cư trong triển khai hệ thống dịch vụ ngân hàng. Thêm vào đó, ngày 28.02.2024, NHNN và Bộ công an phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN chủ trì.

NHNN đang tiến hành tổng hợp kho thông tin về những tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, từ đó cảnh báo để các TCTD tăng cường xác thực khi các tài khoản này thực hiện hoạt động giao dịch. Bên cạnh đó, từ ngày 01.7.2024, thực hiện theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18.12.2023 của Thống đốc NHNN, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học. Đây là một quy định cần thiết và cấp bách để đảm bảo chủ tài khoản và thực hiện giao dịch không bị giả mạo giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến. Thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật, đồng thời lưu ý các TCTD chú trọng truyền thông, quảng cáo, hướng dẫn tới cán bộ và khách hàng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng để phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, phải làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ kết hợp với xác thực theo Quyết định 2345, 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho Bộ Công an để làm sạch thông tin. Không có giải pháp hoàn chỉnh, chỉ có giải pháp phù hợp, trong đó mình Ngân hàng sẽ không làm được, mà cần sự phối hợp của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông…

HP

Tag:

File đính kèm