Sign In

Hội thảo khoa học lấy ý kiến nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ

11:59 04/08/2023
Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ: “Hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng – Thực trạng và giải pháp” do ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm tổ chức hội thảo lần 2.

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, ThS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) có đặc điểm là mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực. Và có mục đích là trực tiếp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trên bình diện rộng, hợp tác quốc tế trong PCTN còn thể hiện trách nhiệm chung, góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cuộc PCTN ở từng quốc gia. Mỗi quốc gia, với vai trò chủ đạo và dẫn dắt của Nhà nước, là chủ thể chính có trách nhiệm ban hành và triển khai chính sách, pháp luật, cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vấn đề tham nhũng.

Hợp tác quốc tế trong PCTN có những ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc PCTN do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý thực hiện như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật trong hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế chống tham nhũng.

Nội dung hợp tác quốc tế trong PCTN đó là, thúc đẩy quá trình “hài hoà hoá” trong nhận diện hành vi tham nhũng. Mặc dù tham nhũng ở các quốc gia có một số đặc điểm đặc thù nhưng nhìn chung vẫn có những điểm chung và được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Nhà nước thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước có tính ràng buộc về hiệu lực pháp lý như UNCAC cũng cần có những điều chỉnh phù hợp đối với quy định của pháp luật để thể hiện quan điểm rõ ràng về việc nhận diện về các dấu hiệu, yếu tố cấu thành hành vi tham nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các cam kết quốc tế, qua đó đáp ứng với chuẩn mực chung của quốc tế…

Cho ý kiến vào đề tài, các đại biểu đánh giá sản phẩm đề tài có nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn về hợp tác quốc tế trong PCTN; bố trí sắp xếp các chương, mục khoa học bài bản; trường thông tin thiết thực, tính khả thi cao, được vận dụng tốt trong thực tế; có nhiều thông tin bổ ích về hợp tác quốc tế trong PCTN.

Tuy nhiên nội dung giữa các chương còn dàn trải, các đại biểu đề nghị Ban chủ nhiệm hoàn chỉnh các dữ liệu thông tin tại các phần lý luận và thực trạng một cách logic hơn; việc đánh giá thực trạng cần phải rõ ràng đồng thời, bổ sung thêm kinh nghiệm hợp tác quốc tế về PCTN ở một số quốc gia khác trên thế giới.

 

Tag:

File đính kèm