Diễn đàn Toàn cầu về Chống tham nhũng và Liêm chính năm 2024 diễn ra trong 03 ngày, từ 25-27/3/2024 với chủ đề “Thiết kế một tương lai mới thông qua liêm chính”. Xoay quanh chủ đề này, Diễn đàn tiến hành nhiều phiên làm việc chuyên sâu về liêm chính và phòng, chống tham nhũng, thu hút sự tham gia của hơn 4000 đại biểu là đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng và thực thi pháp luật, các học giả, đại diện khu vực doanh nghiệp, tổ chức xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế. Hội nghị “Tăng cường chính sách liêm chính và thúc đẩy khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” là một sự kiện diễn ra bên lề Diễn đàn, được luân phiên chủ trì bởi các chuyên gia OECD.
Hội nghị “Tăng cường chính sách liêm chính và thúc đẩy khuôn khổ phòng, chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” thu hút sự tham gia của gần 50 đại biểu, bao gồm 06 phiên làm việc: Xu hướng mới trong chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Tăng cường khả năng chống tham nhũng ở châu Á - Thái Bình Dương: Những thách thức và bài học kinh nghiệm; Tăng cường nỗ lực quốc gia và đa quốc gia để giải quyết rủi ro tham nhũng trong ứng phó tình huống khẩn cấp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Thúc đẩy liêm chính kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Quản lý xung đột lợi ích và kê khai tài sản vì liêm chính công; Đối thoại với các đối tác phát triển quốc tế về liêm chính và chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn Chống tham nhũng và Liêm chính Toàn cầu 2024 được tổ chức với 11 phiên làm việc. Sau phát biểu của đại biểu cấp cao, Diễn đàn chính thức bắt đầu với các nội dung sau: Giới thiệu Kênh Thông tin Chống tham nhũng và Liêm chính OECD; Tăng cường nỗ lực quốc gia và xuyên quốc gia để xử lý rủi ro tham nhũng trong ứng phó tình huống khẩn cấp ở Châu Á - Thái Bình Dương; Trách nhiệm giải trình dựa trên dữ liệu: Khai thác tiềm năng của Trí tuệ Nhân tạo; Phòng, chống sự chuyển dịch của các dòng tiền có nguồn gốc từ hành vi bất hợp pháp, tội phạm về thuế thông qua các chiến lược hiệu quả; Huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cuộc chiến chống tham nhũng và Phát biểu của đại biểu cấp cao nhân kỷ niệm 25 năm ra đời Công ước của OECD về Chống hối lộ và Giải mã di sản: Hành trình của Công ước Chống hối lộ OECD” và Hành trình cải cách Công ước Chống hối lộ của OECD.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã tham dự Hội nghị và Diễn đàn đầy đủ, tích cực, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và hình thức; đảm bảo yêu cầu về lễ tân đối ngoại trên cơ sở thực hiện tốt các quy định hiện hành về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước và Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Thanh tra Chính phủ.
Chia sẻ tại Phiên 5 của Hội nghị, đại diện Việt Nam đã thông tin về một số tiến triển rõ nét trong hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích, tài sản, thu nhập ở Việt Nam, trong đó khẳng định, Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được sửa đổi toàn diện và ban hành năm 2018 là minh chứng mạnh mẽ và sự khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng. Với nhiều quy định tiến bộ, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống tham nhũng được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 của Việt Nam đã ghi nhận nhiều biện pháp xây dựng và thúc đẩy liêm chính như thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; thực hiện trách nhiệm giải trình; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định có liên quan khác, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, đặc biệt là xây dựng cơ chế phòng ngừa tham nhũng sâu rộng, toàn diện trong bộ máy nhà nước và toàn xã hội, đặc biệt là các biện pháp thúc đẩy liêm chính trong cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động công vụ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động kinh doanh…
Tại buổi gặp song phương bên lề Diễn đàn với đại diện Ban thư ký OECD, đại diện OECD bày tỏ việc coi trọng và tiếp tục muốn thúc đẩy vai trò và hiệu quả hợp tác với Thanh tra Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp và cụ thể là vấn đề hình sự hoá trách nhiệm của pháp nhân. Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ bày tỏ sự đánh giá cao vai trò của OECD trong việc lựa chọn những chủ đề Diễn đàn rất thiết thực và mang tính thời sự, tạo cơ sở thông tin quan trọng và có nhiều giá trị tham khảo cho việc hoạch định và thực thi chính sách về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Đồng thời, Đoàn công tác cũng khẳng định, thúc đẩy liêm chính trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước cũng là chủ trương và cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay. Đoàn Việt Nam đánh giá cao khả năng hợp tác với OECD, đặc biệt trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tốt về phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác hiệu quả của tất cả các quốc gia thành viên OECD và các quốc gia thành viên tham gia Diễn đàn, để cùng nhau thúc đẩy liêm chính, phòng, chống tham nhũng, phát triển kinh tế, xã hội, vì sự thịnh vượng chung.