Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh, tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực toàn cầu, gây ra những tổn hại nặng nề đến nguồn lực công, cản trở phát triển bền vững và làm xói mòn lòng tin của người dân vào pháp luật. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là tài sản bị chuyển ra nước ngoài, là một trong những yêu cầu quan trọng trong xử lý tham tại Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam khẳng định.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Dương Quốc Huy cho rằng thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là tài sản ở nước ngoài, là một quá trình phức tạp. Theo đó, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế pháp luật, mà cụ thể là Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định liên quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của UNCAC.
Trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã rà soát, phân tích, đánh giá và đưa ra các kế hoạch về hoàn thiện thể chế cho phù hợp với các yêu cầu của Công ước; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của Công ước.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về Công ước và chuẩn bị năng lực cho đội ngũ chuyên gia, công chức tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Công ước. Nhiều nội dung của UNCAC đã được thể chế hóa vào trong các quy định pháp luật của Việt Nam như Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật hình sự.
Các cơ quan của Việt Nam vẫn tiếp tục có những nghiên cứu nhằm làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước. Việc nghiên cứu bao gồm cả đánh giá các yêu cầu, quy định và khuyến nghị của UNCAC đối với Việt Nam về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản và thực tiễn của Việt Nam.
Vì vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia và là nội dung rất khó khăn trên thực tiễn do nằm ngoài lãnh thổ, khác biệt về hệ thống pháp luật. Các kết quả nghiên cứu, bao gồm cả kết quả của Hội thảo này, có ý nghĩa tích cực cho việc hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao năng lực hợp tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới của Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Dương Quốc Huy nhấn mạnh vai trò của minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc xử lý tài sản thu hồi được. Ông khẳng định, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo tài sản thu hồi được sử dụng một cách minh bạch và có lợi cho quốc gia bị ảnh hưởng.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo ngoài phần khai mạc, bế mạc sẽ có 8 phiên họp trong đó: Phiên 1, Thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế; Phiên 2, Xác định, lần theo dấu vết, truy tìm, phong tỏa, thu giữ và tịch thu tài sản do phạm tội/vi phạm pháp luật mà có; Phiên 3, Ngăn chặn và phát hiện việc chuyển nhượng, dịch chuyển tài sản do phạm tội và có- quy định của các định chế tài chính; Phiên 4, Phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện người có chức vụ, quyền hạn chuyển nhượng, di chuyển tài sản do phạm tội mà có; Phiên 5, Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế về thu hồi và hoàn trả tài sản; Phiên 6, Cơ chế pháp lý về hợp tác quốc tế trong thu hồi và trả lại tài sản; Phiên 7, Cơ chế pháp lý về thu hồi và trả lại tài sản; Phiên 8, Xử lý tài sản do phạm tội mà có trong hợp tác quốc tế về thu hồi và trả lại tài sản. Sau 8 phiên họp, các đại biểu sẽ chia nhóm tham gia thảo luận với chủ đề thách thức và giải pháp. Cuối cùng đại diện của từng nhóm sẽ trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình tại hội thảo.
Hội thảo dự kiến sẽ bế mạc vào chiều mai, ngày 26/11/2024.