Món quà thiêng liêng
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, nước ta tạm thời chia làm 2 miền Nam – Bắc, Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Ngày 25/8/1954, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc Vĩ tuyến 17 cho phái đoàn Việt Nam, đánh dấu một sự kiện quan trọng: Vĩnh Linh - huyện đầu tiên của Quảng Trị đã được hoàn toàn giải phóng, hân hoan đón chào hòa bình và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Vĩnh Linh trong giai đoạn mới, ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551-TTg thành lập Khu vực Vĩnh Linh tương đương cấp tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương. Cùng với các địa phương khác ở Khu vực Vĩnh Linh, xã Vĩnh Kim (nay là xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh) đã giương cao ngọn cờ phong trào hợp tác hoá đầy sôi động, từ xây dựng tổ đổi công đến hợp tác xã (HTX) bậc thấp và tiến hành xây dựng HTX cao cấp.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nhân dân Vĩnh Kim đã vững vàng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phong trào xây dựng quê hương. Chỉ trong thời gian ngắn, xã đẩy mạnh phong trào khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, vụ Đông Xuân năm 1959 - 1960 HTX Vĩnh Kim phát triển chưa từng có. Thời điểm đó, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Kim đã xây dựng thành công mô hình HTX cao cấp đầu tiên của Khu vực Vĩnh Linh và Khu 4.
Tuy đất ruộng cằn cỗi, thiếu nước, tư liệu sản xuất còn ít nhưng Nhân dân xã Vĩnh Kim vẫn tích cực thâm canh, làm thủy lợi, đạt năng suất 5 tấn thóc/ha mỗi vụ. Trước những thành tích, nỗ lực của Nhân dân Vĩnh Kim, tháng 12/1959, Bác Hồ đã tặng thưởng cho xã Vĩnh Kim chiếc máy cày hiệu Zero-25K mà nước bạn Tiệp Khắc tặng Bác.
Ông Nguyễn Đức Anh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim kể lại, lễ mít tinh đón nhận máy cày của xã Vĩnh Kim được tổ chức tại vùng Cây Sui trong niềm vui và đầy tự hào của bà con nơi đây. Những năm tháng đó, món quà của Bác Hồ từ Hà Nội gửi vào là chiếc máy cày đầu tiên trên khu phi quân sự trở thành một sự kiện đặc biệt làm nức lòng bà con bờ Bắc sông Bến Hải và cả người dân bên bờ Nam giới tuyến. Ai cũng từng mong một lần được nhìn thấy chiếc máy cày nổ giòn vang, vỡ hoang những mảnh đất cằn cỗi của vùng đất khắc nghiệt Vĩnh Linh.
Chiếc máy cày đã trở thành động lực lớn lao không chỉ của Nhân dân xã Vĩnh Kim mà còn Nhân dân cả Khu vực Vĩnh Linh trong việc xây dựng mảnh đất Vĩnh Linh thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam. Chiếc máy cày của Bác Hồ đã đem lại cho Vĩnh Kim một sức sống mới, biến những vùng đất hoang hoá án ngự lâu đời như vùng Cây Sui, Cồn Hôi, Đuôi Tôm, Cố Bộ... trở thành các đồi chè, bãi sắn, nương khoai xanh mượt. Đồng thời, chiếc máy cày còn vận chuyển hàng vạn tấn vật tư, phân bón giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp của xã Vĩnh Kim và cả vùng giới tuyến Hiền Lương - Bến Hải.
Gìn giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau
Năm 1965, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cả Vĩnh Linh vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Giữa những làn mưa bom, bão đạn, chiếc máy cày của Bác lại chuyển sang nhiệm vụ vận chuyển đạn dược và kéo pháo góp phần bảo vệ đảo tiền tiêu Cồn Cỏ và đánh trả địch ở bên bờ Nam sông Bến Hải. Chiếc máy cày của Bác tặng hiện hữu nơi đây trở thành niềm tự hào của người dân, sưởi ấm lòng người giới tuyến và đi theo dân Vĩnh Kim trên chặng đường sản xuất và chiến đấu.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, quân và dân Vĩnh Linh đã không ngại khó khăn, gian khổ, với khẩu hiểu “Giỏi tay cày, chắc tay súng”, “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” để xứng đáng với niềm tin của Bác. Vĩnh Kim cùng với tuyến lửa Vĩnh Linh đã trở thành mảnh đất anh hùng, là niềm tự hào của cả nước.
Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Kim vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Vĩnh Kim trở thành đơn vị cấp xã đầu tiên đạt 2 danh hiệu anh hùng lúc bấy giờ.
Năm 1967, chiếc máy cày do Bác Hồ tặng bị hỏng nặng không thể hoạt động được, mặc dù trong điều kiện khó khăn của chiến tranh nhưng xã Vĩnh Kim đã khẩn cấp đưa máy cày ra xưởng cơ khí I (Hà Nội) để sửa chữa. Thế nhưng, chiến tranh khốc liệt kéo dài, chiếc máy cày của Bác Hồ đành giữ lại tại xưởng sửa chữa. Sau những năm đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ xã Vĩnh Kim hạ quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải đưa chiếc máy cày của Bác Hồ tặng trở về địa phương. Chính quyền địa phương đã giao nhiệm vụ cho 3 người là các ông: Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Đức Anh và Nguyễn Đức Đồng ra Hà Nội đưa chiếc máy cày về.
Nhờ sự giúp đỡ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chiếc máy cày dần được sửa chữa, hoàn thiện gần như ban đầu. Đúng 23 giờ ngày 3/2/1981, chiếc máy cày đã đưa trở lại xã Vĩnh Kim. Lần thứ 2, Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Kim tổ chức lễ trang trọng đón chiếc máy cày đúng vào đêm 30 tháng Chạp, vẫn vẹn nguyên không khí náo nức chờ đợi như 21 năm về trước.
Những năm tháng sau đó, chiếc máy cày của Bác Hồ tặng lại ngày đêm tiếp tục nổ tiếng giòn vang trên những cánh đồng còn ngổn ngang bom đạn, cày xới từng mảnh đất để mang về mùa vàng bội thu, no ấm cho người dân xã Vĩnh Kim.
Sau những thăng trầm của lịch sử, kỉ vật thiêng liêng của Bác Hồ trao tặng cho Nhân dân xã Vĩnh Kim đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng hành cùng mảnh đất, con người nơi đây trong sản xuất, chiến đấu, xây dựng quê hương. Hiện chiếc máy đang được đặt trang trọng tại bảo tàng của xã như lời nhắc nhở cho thế hệ hôm nay, mai sau về tấm lòng của Bác đối với người dân Vĩnh Kim, để cùng đoàn kết một lòng, nỗ lực, phấn đấu vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Bên chiếc máy cày gắn bó 65 năm với mảnh đất, con người Vĩnh Kim, ông Nguyễn Đức Anh không giấu được xúc động nhớ về những ngày tháng lịch sử đó. “Máy Bác tặng thì màu đỏ hồng như lửa/ Đất Vĩnh Kim lòng đỏ tựa máy cày… ơn đức ấy các thế hệ Nhân dân Vĩnh Kim không bao giờ quên được”, ông Anh rưng rưng nói.