(CT) - Chiều 7-6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp - Văn phòng đại diện ÐBSCL tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp và cơ hội giảm khí thải nhà kính từ đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao vùng ÐBSCL”. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các chuyên gia, nhà khoa học… dự hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Qua đó, gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học trình bày các tham luận dựa trên các nghiên cứu, thực tiễn khoa học. Ðơn cử như: hợp tác, nghiên cứu phát thải khí nhà kính trong canh tác nông nghiệp; các phương pháp đo khí thải nhà kính; mô hình canh tác giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; phương pháp quan trắc khí thải nhà kính; các giải pháp kỹ thuật trong việc thực hiện đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp… Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự hội thảo cùng trao đổi, thảo luận về những điểm thuận lợi và khó khăn trong áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ; các vấn đề liên quan đến giải pháp cụ thể, làm sao để triển khai các giải pháp thực hiện đề án ngoài thực tế đạt hiệu quả, đặc biệt là trong điều kiện cụ thể của TP Cần Thơ. Trong đó, quan tâm đến hệ thống đo khí thải nhà kính minh bạch, đáp ứng cơ sở khoa học phục vụ tín chỉ các-bon…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ: TP Cần Thơ vinh hạnh khi được lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí của đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp. Ðây là mô hình điểm để TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL cùng trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai đề án trong thời gian tới. Do vậy, hội thảo này có ý nghĩa, là dịp để cũng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra giải pháp hiệu quả nhất trong sản xuất lúa gạo, góp phần thực hiện thắng lợi đề án...
T. TRINH