(Dangbodanang.vn) - Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xác định sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Với tâm thế đó, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và thực hiện nhiều đề án phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, ưu tiên các nguồn lực đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, hàng không, cảng du lịch,…
Khách du lịch trải nghiệm các món ăn truyền thống của Việt Nam tại bãi biển Mỹ An.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 16 khu, điểm du lịch (tăng 9 khu, điểm so với năm 2010); 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, tăng hơn 1.100 cơ sở và hơn 40.000 phòng so với năm 2010. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư, đưa vào hoạt động với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng. Các khu, điểm tham quan, du lịch, công viên chủ đề được các nhà đầu tư tập trung phát triển gắn với các dịch vụ đặc sắc. Trong quý I/2024, các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động mới mẻ, hấp dẫn phục vụ khách như: Phiên chợ ngày Tết năm 2024; triển lãm “Duyên Xuân”; hay Lễ hội mùa xuân, với chủ đề “Hội ngộ muôn sắc hoa”; show diễn “Bản giao hưởng mùa xuân”; và phiên chợ đầu xuân chủ đề “Chợ Tết Vui Phết”; Chợ Quê; Lễ hội Thần Tài,...
Với đa dạng các hoạt động như vậy, các khu, điểm du lịch đều đón lượng khách lớn, tăng trưởng hơn, so với cùng kỳ năm 2023. Quý I, lượng khách đến Đà Nẵng ước đạt hơn 1,88 triệu lượt (tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 636 ngàn lượt (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023). Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành quý I ước đạt hơn 7,6 ngàn tỷ đồng (tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cho rằng Đà Nẵng có đầy đủ các yếu tố để tổ chức các sự kiện du lịch lớn mang tầm quốc tế. Việc thường xuyên được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, tìm kiếm là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng chính là cơ hội để du lịch Đà Nẵng phát triển. Đặc biệt, muốn nâng tầm cho ngành du lịch thì cần phải có yếu tố mới, xu hướng của du khách thường quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch có tính cá biệt hóa cao, với nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Vì vậy, các khu, điểm du lịch, khi xây dựng các sản phẩm du lịch, đều chú trọng vào sự độc đáo, khác biệt, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Hiện nay, Đà Nẵng đang tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển du lịch theo 10 không gian du lịch chức năng gồm: ven bờ đông, vịnh Đà Nẵng, đô thị trung tâm, sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng phía đông, sinh thái phía tây, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu về công tác nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cho thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Vì vậy, yếu tố về chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh điểm đến được thành phố quan tâm hàng đầu.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, để khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của Đà Nẵng, ngành du lịch cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột, bao gồm: nhóm sản phẩm du lịch biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng); nhóm sản phẩm du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía tây thành phố. Đặc biệt trong đó, du lịch MICE cần được xác định là nhóm sản phẩm trọng tâm bởi Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, Đà Nẵng cần đăng cai tổ chức các sự kiện lớn đa ngành nghề trong và ngoài nước, chủ động tổ chức các cuộc thi thể thao, các buổi trình diễn âm nhạc của các ngôi sao nhằm thu hút du khách và qua đó quảng bá thương hiệu điểm đến ra thế giới. Đồng thời, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp và siêu sang nhằm thu hút nhu cầu tổ chức các sự kiện cá nhân tại Đà Nẵng. Để đáp ứng yêu cầu và xu hướng của khách hàng, các sản phẩm du lịch cần được chuẩn hóa quy trình tổ chức phục vụ với định vị sản phẩm chất lượng cao, đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đón bắt các luồng xu hướng khách, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau.
Trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tạo điều kiện tổ chức các sự kiện, lễ hội quốc tế, cũng như tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách, hướng đến chuẩn “chất lượng cao”.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh khẳng định: Để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã đề ra, ngành du lịch thành phố tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được; tập trung triển khai theo các định hướng, giải pháp chính đã đề ra. Qua đó tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển các không gian du lịch chức năng, các nhóm sản phẩm để thu hút khách… Từ đó, đưa du lịch Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực, có sức lan tỏa lớn, định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Vân Khánh
Tag:
File đính kèm