Sign In

Đề án tạo nguồn bí thư, chủ tịch phường, xã: Nối tiếp điểm son - Bài cuối: Bước đột phá trong công tác cán bộ

10:31 24/05/2024
(Dangbodanang.vn) - Thành phố tiếp tục xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng cán bộ phường, xã, xem đây là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận trong tình hình mới, tạo bước chuyển có tính đột phá về đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Theo kết quả khảo sát của Sở Nội vụ, đa số các đối tượng được khảo sát đều thống nhất cao với các mục tiêu mà đề án mới ban hành nêu ra. Đồ họa: Thanh Huyển

 

Ban hành đề án mới là cần thiết

Bên cạnh kết quả đạt được theo Đề án 89, quá trình triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt phường, xã nói chung còn những hạn chế nhất định. Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tình trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa gắn liền với công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ nên chưa phát huy hết nguồn lực. Theo đó, chỉ có khoảng 20% số người giữ vị trí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã đạt mục tiêu đề án và 41 người (chiếm hơn 30%) chưa giữ vị trí lãnh đạo, quản lý khác tại phường, xã. Đội ngũ cán bộ phường, xã của thành phố cơ bản bảo đảm về số lượng, tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm quản lý chính quyền địa phương để phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm chức vụ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã từ trước đến nay chủ yếu tập trung trong phạm vi đội ngũ cán bộ quận, huyện và phường, xã. Thành phố chưa có trường hợp nào đang công tác tại sở, ban, ngành được tạo điều kiện về trực tiếp phường, xã để đào tạo cán bộ qua thực tiễn công tác nhằm góp phần đổi mới, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Hơn nữa, sau một thời gian nếu các đối tượng này được rút về tiếp tục làm công tác chuyên môn, hoạch định chính sách cho ngành, lĩnh vực như trước đây thì họ là những cán bộ khá toàn diện về chuyên môn, am hiểu thực tiễn cũng như kỹ năng xử lý tình huống… Bên cạnh đó, một số bí thư, chủ tịch UBND xã có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm thực tiễn chưa có kế hoạch xem xét, đề xuất điều động về công tác tại các phòng, ban, sở, ngành của thành phố...
Đây là cơ sở để Thành ủy ban hành Quyết định số 10215-QĐ/TU ngày 26-3-2024 phê duyệt Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố để triển khai ngay từ năm 2024.

Theo ông Bùi Văn Tiếng,  nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Đề án 89 là một điểm son trong công tác cán bộ của thành phố Đà Nẵng sau hơn 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đặc điểm tình hình cải cách hành chính, tinh giản biên chế hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm cuối thập niên 2000. Vì thế, việc tiếp tục ban hành các đề án tương tự là cần thiết, nhưng cách làm, từ khâu tuyển sinh cho đến khâu đào tạo và phân công sau đào tạo… chắc chắn phải thay đổi cho phù hợp đặc điểm tình hình hiện nay.

Trong khi đó, theo ông Võ Ngọc Đồng: “Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng cán bộ phường, xã, đồng thời căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và từ yêu cầu thực tiễn về xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận trong tình hình mới, tạo bước chuyển có tính đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay”.

Thí điểm thi tuyển chức danh chủ tịch UBND phường

Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố xác định rõ mục tiêu đạt được, đối tượng và giải pháp thực hiện với lộ trình cụ thể để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đội ngũ chủ chốt ở phường, xã. Đối tượng tham gia đề án mới  khác với Đề án 89. Nếu trước đây đối tượng của Đề án 89 tập trung tuyển chọn chủ yếu sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, lần này tập trung tuyển chọn cán bộ, công chức ở phường, xã và các cơ quan, đơn vị các cấp được quy hoạch chức vụ tương đương chức danh bí thư, chủ tịch UBND phường, xã để có thể bầu cử, bổ nhiệm ngay sau khi đào tạo (đối tượng 1) và các trường hợp là chuyên viên, sẽ bổ nhiệm chức vụ thấp hơn liền kề bí thư, chủ tịch UBND phường, xã để dự nguồn, kế cận (đối tượng 2).

Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại đề án, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ đề xuất, giới thiệu danh sách cán bộ. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đề án tiến hành tuyển chọn và phê duyệt danh sách cán bộ tham gia đề án để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục đánh giá trước khi bổ trí, sử dụng. Để nâng cao chất lượng, tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã, đề án cũng đã xác định nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới hình thức, nội dung bồi dưỡng, chương trình bồi dưỡng được thiết kế cả chuyên đề chung và chuyên đề riêng cho từng chức danh bảo đảm trước khi vào vị trí, cán bộ thuộc đề án nắm rõ, am hiểu công việc để có thể thực hiện nhiệm vụ được ngay.

Điểm mới là thực hiện luân chuyển qua lại cán bộ phường, xã với cán bộ khối sở, ngành, quận, huyện để đào tạo, hoàn thiện cán bộ, khắc phục tồn tại của việc bố trí cán bộ khép kín theo từng cấp quản lý. Bên cạnh đó, đề án tập trung các giải pháp về chuẩn hóa công tác đánh giá cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, tổ chức kiểm tra sát hạch đối với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã đương nhiệm và thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh chủ tịch UBND phường.

Mục tiêu trong năm 2024, thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành, hoàn thiện quy chế, quy định, kế hoạch làm cơ sở để thực hiện các giải pháp về tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã. Tập trung tổ chức bồi dưỡng cán bộ đề án để năm 2025 tiến hành đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ vào vị trí. Tiếp đó, đề án tập trung tổ chức kịp thời các khóa bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, bảo đảm đến hết năm 2025, 100% cán bộ thuộc đề án đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trước khi được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm.

Đánh giá tổng thể, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh “Tăng cường cán bộ cho cơ sở, có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”. Nghị quyết số 17-NQ/TW về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, trong đó có chỉ rõ: “...xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân, trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”. 

Trên cơ sở này cũng như phát huy tính ưu việt từ kết quả đạt được của Đề án 89, để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới, thành phố đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt. Có thể khẳng định, với việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố của Thành ủy (Quyết định số 10215-QĐ/TU) là bước tiếp nối thành công từ điểm son Đề án 89, bảo đảm sự kế thừa, chuyến giao thế hệ một cách liên tục và vững chắc.

Trong nhiệm kỳ cấp ủy 2025-2030, nhiệm kỳ chính quyền địa phương 2026- 2031, phấn đấu ít nhất 50% vị trí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã được cấp có thẩm quyền xem xét, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn đối tượng 1 của đề án, đến năm 2030, phấn đấu đạt ít nhất 70%. Phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 70% cán bộ từ nguồn đối tượng 2 của đề án được luân chuyển theo yêu cầu, mục tiêu đề án.

Theo Trọng Huy (Báo Đà Nẵng)

Tag:

File đính kèm