Sign In

Kí ức về Bác Hồ

11:24 17/05/2023
(Dangbodanang.vn) - Đối với những người đã nhiều lần được gặp Bác Hồ, kỷ niệm về những lần được gặp Bác vẫn luôn là những kỷ niệm sâu đậm, khó quên nhất trong cuộc đời.

Với bà Trần Thị Kim Cúc (ở giữa), kí ức về Bác Hồ luôn là những kí ức đẹp nhất trong đời.

Nữ biệt động 8 lần được gặp Bác

Chúng tôi có dịp đến thăm bà Trần Thị Kim Cúc (sinh năm 1936), từng đảm đương nhiệm vụ Đội trưởng Đội công tác biệt động thành tại Đà Nẵng trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Hiện bà Cúc đang sống ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu và còn lưu giữ nhiều tấm ảnh, kỉ vật chiến tranh.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, mới 14 tuổi nhưng chứng kiến cảnh đất nước bị xâm lược, bà Cúc đã xung phong làm giao liên cho Huyện ủy Hòa Vang. Nhờ sự dũng cảm và mưu trí, bà đã tham gia nhiều trận đánh và bị địch bắt rồi tra tấn dã man. Do di chứng vết thương quá nặng nên năm 1966, bà Cúc được chuyển ra miền Bắc điều trị. Cũng trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến 1969, nữ biệt động thành Trần Thị Kim Cúc đã vinh dự được 8 lần gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dù nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe kém đi nhiều nhưng những kí ức về Bác Hồ vẫn luôn in hằn, sống động trong tâm trí bà Cúc. Bà nhớ nhất là lần gặp Bác vào năm 1966, khi bà đang được điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt Xô ở Hà Nội và được Bác Hồ trực tiếp đến thăm. Bác mặc bộ đồ giản dị, ân cần hỏi thăm sức khỏe, nhất là vết thương của bà đã đỡ đau chưa, dặn bà phải giữ ấm trong mùa đông rét buốt của miền Bắc và luôn đội mũ để bảo vệ đầu, không để ảnh hưởng đến vết thương. Khi được hỏi về lần bà Cúc gặp Bác Hồ, gắn với kỉ vật được Bác tặng là chiếc khăn quàng đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5, mắt bà Cúc rơm rớm nước mắt khi không ngăn được niềm xúc động. Bà Cúc bồi hồi nhớ lại, đó là lần bà được đón vào Phủ Chủ tịch, ăn cơm cùng với Bác vào một buổi chiều cuối năm 1967. Khi đó trời rất lạnh, Bác đã rút chiếc khăn quàng cổ của mình vào trao cho bà Cúc, cùng lời nói ấm áp mà bà không bao giờ quên. “Chiếc khăn quàng có hai màu tượng trưng cho hai miền Nam-Bắc nằm sâu trong tim Bác, nay Bác trao cho cháu”. Từ đó, chiếc khăn quàng cổ trở thành vật bất ly thân, luôn đồng hành với bà Cúc trong những ngày điều trị trên giường bệnh rồi vào trường học bổ túc văn hóa, trên ghế giảng đường đại học và trở về quê hương Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Mỗi khi gặp khó khăn, cầm chiếc khăn trên tay, bà lại có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Sau này, bà Trần Thị Kim Cúc đã trao lại chiếc khăn quý giá ấy cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5. Bà Cúc vẫn thường kể cho con, cháu nghe những kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ, về những trận chiến đấu mà bà cùng đồng đội đã tham gia để bảo vệ quê hương. Với bà Cúc, Bác Hồ là người đã tạo thêm nghị lực sống, giúp bà vượt qua bệnh tật và những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Mỗi khi nhắc lại những kí ức về Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tấm lòng bà Trần Thị Kim Cúc lại chứa chan biết bao niềm yêu thương, thành kính hướng về Người.

Những kí ức tươi đẹp

Rời nhà bà Trần Thị Kim Cúc, chúng tôi tiếp tục đến gặp thương binh Huỳnh Phước A, nay trú ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, từng được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và vinh dự được hai lần gặp Bác Hồ. Ông A lần đầu tiên được nhìn thấy Bác Hồ là vào ngày 20-12-1968 tại lễ kỷ niệm lần thứ 8 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Lần thứ hai là lúc thương binh Huỳnh Phước A đang học văn hóa ở Từ Hồ (Hưng Yên). Thầy cô của trường cho biết Bác Hồ muốn gặp các cháu miền Nam. Lúc ấy, Bác đã gầy yếu, gương mặt xanh hơn mọi ngày. Mọi người lặng lẽ nắm bàn tay Bác mà nước mắt giàn giụa. Đến bây giờ, ông Huỳnh Phước A không nhớ gì ngoài nỗi xúc động mãnh liệt khi cảm nhận Bác sắp đi xa. Nhớ lại kí ức về Bác Hồ từ cách đây mấy chục năm mà ông Huỳnh Phước A vẫn không ngăn được cảm xúc nghẹn ngào, xúc động.

Kí ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khắc ghi trong tâm khảm những chiến sĩ diệt Mỹ dũng cảm, từng hạnh phúc được gặp Bác Hồ, mà hình ảnh Bác luôn sâu đậm với tất cả chiến sĩ, đồng bào đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Với nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh, là người con của vùng đất Núi Thành, Quảng Nam, sinh ra trong gia đình cả cha và mẹ đều là liệt sĩ, đã hi sinh trọn đời cho cách mạng, ngay từ khi hơn 10 tuổi, bà Kim Thanh đã tham gia làm giao liên cho Huyện ủy Tam Kỳ rồi sau đó thoát ly lên chiến khu vừa làm y tá, vừa tham gia trực tiếp chiến đấu khi chưa tròn 18 tuổi. Trải qua nhiều gian khổ, hi sinh nhưng khi nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, điều khiến Anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh luôn khắc ghi là những lời nhắn nhủ, động viên đồng bào, chiến sĩ của Bác Hồ.

Khi nghe tin Bác Hồ ra đi, lúc ấy, bà Hồ Thị Kim Thanh và biết bao đồng chí, đồng bào đã không cầm được nước mắt. Bà Thanh cứ day dứt, tiếc nuối không nguôi vì chưa được một lần có dịp ra miền Bắc gặp Bác Hồ. Trong thời điểm lịch sử đó, đồng bào cả nước đã biến đau thương thành hành động, quyết tâm thực hiện di chúc, cũng là lời chúc tết cuối cùng của Bác vào xuân năm 1969, đó là tâm nguyện quét sạch kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc. Với anh hùng LLVTND Hồ Thị Kim Thanh, lời dạy của Bác không chỉ là kim chỉ nam hành động của chiến sĩ và đồng bào ta trong kháng chiến mà luôn có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc ở mỗi thời kì của đất nước.

Trong những ngày tháng 5 hướng đến kỉ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt chuyên đề về Bác Hồ. Những câu chuyện về Bác qua lời kể của các nhân chứng lịch sử là những người từng chịu biết bao đau thương, mất mát, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã có sức lay động đến cảm xúc, suy ngẫm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt là cần nêu cao trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự trở thành một phong trào thi đua sâu rộng, mang ý nghĩa thiết thực với đời sống người dân, với sự phát triển của địa phương, đất nước hôm nay.

Trung Kiên

Tag:

File đính kèm