Sign In

Người "lái đò" đặc biệt

15:35 13/10/2023
(Dangbodanang.vn) - Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ lại càng khó khăn gấp bội. Ấy thế nhưng với thầy Nguyễn Xuân Việt, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, chỉ cần được nhìn thấy các em tiến bộ hằng ngày là bao mệt nhọc đều tan biến. Động lực đó giúp thầy gắn bó với những học sinh đặc biệt suốt 15 năm qua.

Thầy Việt đã gắn bó với trẻ em khuyết tật suốt 15 năm qua. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ thầy Việt đã thần tượng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - người thầy viết chữ bằng chân. Điều đó đã thôi thúc thầy nỗ lực, cố gắng trong học tập và cuộc sống với mong ước sau này sẽ có thể giúp đỡ được nhiều mảnh đời khiếm khuyết. Tốt nghiệp năm 2008 của ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, thầy về nhận công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Chứng kiến những đứa trẻ khuyết tật bị thiệt thòi về con chữ, khiến thầy rất xúc động và dặn lòng phải làm được điều gì đó để giúp.

Ban đầu, thầy Việt được phân công dạy lớp chậm phát triển trí tuệ, các em đều trong tình trạng khuyết tật khá nặng. Lớp học của thầy Nguyễn Xuân Việt đa số trẻ dưới 6 tuổi mắc các chứng tự kỷ, thiểu năng, tăng động, khuyết tật vận động…Thầy Nguyễn Xuân Việt kể, những ngày đầu đến lớp có nhiều em la hét, đập phá, tự cắn tay mình… Sau thời gian kiên trì dạy dỗ, các em đã tiến bộ và có nhiều thay đổi. Ngoài việc dạy học, thầy Nguyễn Xuân Việt còn quan tâm chăm sóc các em. 

Để nâng cao hiệu quả trong dạy học, thầy Việt đã áp dụng hiệu quả phương pháp Dohsa-hou dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Theo thầy Việt, phương pháp Dohsao-hou thể hiện tính ưu việt của nó so với các phương pháp trị liệu tâm lý truyền thống khác là ít tốn kém,  không đòi hỏi những điều kiện quá phức tạp (dụng cụ tập luyện, phòng ốc, chi phí...), mang lại hiệu quả tức thời và lâu dài trong trong công tác can thiệp sớm, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Phương pháp này đòi hỏi những kỹ năng thực hành cơ bản: kỹ năng hướng dẫn, kỹ năng tạo mối quan hệ gần gũi, an toàn; kỹ năng giao tiếp;  kỹ năng khích lệ, động viên, đồng cảm... giữa chuyên gia trị liệu và người bệnh.

Hiện tại, thầy giáo Nguyễn Xuân Việt phụ trách công việc đánh giá, giáo dục cá nhân và hỗ trợ cộng đồng tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Việc giáo dục cá nhân cho trẻ được tổ chức theo hình thức một thầy - một trò, đòi hỏi thầy thầy Nguyễn Xuân Việt phải luôn chủ động trong việc tự làm các đồ dùng dạy học và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động, tạo hứng thú và lôi kéo các em tham gia. Chị Trịnh Thị Thu, có con trai đang theo học tại Trung Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng chia sẻ, cháu bị tự kỷ và tăng động, lúc ở nhà hay la hét, tự cắn vào tay mình, không nói…. Đến nay, cháu có nhiều tiến bộ hơn, đã biết đọc, biết hát. Chị rất biết ơn thầy giáo Việt.

Ngoài giờ dạy học ở Trung tâm, lúc rảnh rỗi hoặc ngày cuối tuần, thầy Việt còn tình nguyện đến các Trung tâm bảo trợ xã hội để dạy miễn phí cho các em khuyết tật. Thầy còn kết nối với các đơn vị giới thiệu việc làm, phát triển định hướng tương lai cho trẻ; vận động nguồn kinh phí hỗ trợ trẻ khuyết tật vượt qua khó khăn. 15 năm gắn bó với học sinh khuyết tật, thầy Nguyễn Xuân Việt không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo. Thầy Việt đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm giúp trẻ khuyết tật học và giao tiếp tốt được ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng đánh giá cao.  Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết, thầy Việt là một giáo viên trẻ, có năng lực, có tinh thần vượt khó vươn lên, dạy tốt.

15 năm đi qua những vất vả, xen lẫn niềm vui khi thấy trò tiến bộ cho đến ngày hôm nay, thầy Nguyễn Xuân Việt bảo, phải nỗ lực và kiên trì, thực sự yêu thương trẻ thì mới có thể bám trụ được với nghề. Sự tiến bộ rất đỗi bình dị của trẻ như biết gọi ba, gọi mẹ, biết cảm ơn, xin lỗi… chính là niềm vui, hạnh phúc và động lực để thầy bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Trung Kiên

Tag:

File đính kèm