(Dangbodanang.vn) - Ở xã miền núi Hòa Liên (huyện Hoà Vang), ngoài các mô hình kinh tế mang lại kết quả cao, góp phần xóa nghèo cho người nông dân, như: tôm, cua nước lợ; dưa hấu hắc mỹ nhân; nếp đắng… Những năm trở lại đây, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, một bộ phận không nhỏ nông dân trẻ đã linh hoạt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu thị trường, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương mà trong đó, nông dân Lê Hữu Nghĩa, thôn Hưởng Phước là một điển hình.
Nông dân Lê Hữu Nghĩa bên trại nấm của mình.
Làm gì thoát nghèo để vợ con có cuộc sống ổn định là câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của người thanh niên Lê Hữu Nghĩa mang trong mình khát vọng làm kinh tế. Năm 2017, được Đoàn Thanh niên xã giới thiệu theo học lớp trồng nấm dành cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp tại quê nhà như chiếc phao cứu sinh với anh Nghĩa. Kết thúc khoá học, anh Nghĩa mạnh dạn đề đạt nguyện vọng và được hỗ trợ 30 triệu đồng qua kênh Đoàn Thanh niên. Vạn sự khởi đầu nan, anh quyết định chọn mô hình làm nấm bào ngư vì nhận thấy đây là loại cây không đòi hỏi không gian quá lớn, kinh phí đầu tư ban đầu không nhiều, tận dụng được công lao động nhàn rỗi. Song đổi lại, đòi hỏi người làm nấm phải có sự hiểu biết cơ bản về khoa học kỹ thuật, chịu thương chịu khó. Qua hơn 7 năm gắn bó với nghề trồng nấm bào ngư, anh Lê Hữu Nghĩa đã có một cuộc sống khá ổn định với ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, tiện nghi đầy đủ. Anh khoe, tất cả đều từ nấm bào ngư mà ra. Nhớ lại hành trình lập nghiệp, anh Nghĩa không khỏi chạnh lòng khi phải đối mặt với hàng trăm bịch phôi đến kỳ không ra nấm vì chất lượng mùn cưa không đảm bảo. Những lúc như vậy, không nản chí, anh vừa làm vừa học, vừa tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã giới thiệu. Đến hôm nay, cơ ngơi sản xuất nấm bào ngư của anh rộng hơn 1.000 m2, trong đó có 700 m2 trại với 03 nhà nấm, tổng kinh phí đầu tư hơn 500 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn lãi ròng dùng để tái sản xuất. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở nấm bào ngư của anh Nghĩa xuất ra thị trường 1,5 tấn nấm tươi. Với đầu ra ổn định, trung bình mỗi năm anh Nghĩa thu về gần 200 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.
Cơ sở nấm Bào ngư anh Nghĩa hiện giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động thường xuyên và một số lao động thời vụ tại địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của anh Lê Hữu Nghĩa là các dụng cụ làm nấm như lò hấp phôi, thiết bị làm mát đảm bảo nhiệt độ ổn định cho nấm phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng còn khá thô sơ; việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng trại nấm cũng như mua sắm các thiết bị hiện đại còn khó khăn.
Bà Ngô Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên, nhận xét: Anh Nghĩa là mẫu hình hội viên nông dân trẻ nỗ lực vượt khó làm kinh tế, là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên ở địa phương trong quá trình khởi nghiệp tại quê nhà. Từ sự hỗ trợ nhiệt tình và chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật của anh Nghĩa mà nhiều bạn trẻ đã có cuộc sống ổn định từ nghề trồng nấm bào ngư, làm dấy lên phong trào khởi nghiệp bởi đa dạng hoá các ngành nghề “ly nông không ly hương”. Điển hình như nghề tinh chế dầu sả, nghề nuôi chim yến, nghề làm chả, nghề trồng cây cảnh,... mang lại cuộc sống khá giả cho người nông dân.
Với khát vọng làm giàu trên quê hương, từ 30 triệu đồng vốn khởi nghiệp ban đầu, nay, người nông dân trẻ Lê Hữu Nghĩa của thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên đã có bước đi vững chắc trên hành trình xóa nghèo làm giàu từ những nỗ lực vượt khó của chính mình.
Công Chiến
Tag:
File đính kèm