Sign In

Trọn nghĩa tri ân

17:00 24/07/2024
(Dangbodanang.vn) - Với dân tộc Việt Nam, tháng 7 là tháng tri ân những người nằm xuống cho Tổ quốc bình yên, cho nhân dân hạnh phúc. Tháng 7 về, lòng ta như chùng lại, dành ít phút mặc niệm tưởng nhớ đến bao lớp người, bao đồng đội đã mãi mãi không trở về. Ở mảnh đất cách mạng Hòa Vang, nơi hiện có 11 nghĩa trang với hơn 5 ngàn mộ liệt sĩ những ngày này thật đặc biệt với hàng loạt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

 

Với dân tộc Việt Nam, tháng 7 là tháng tri ân những người nằm xuống cho Tổ quốc bình yên, cho nhân dân hạnh phúc. 

Đầu tháng 7 này, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thìn trú thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang rất phấn khởi khi được đón Bí thư Huyện ủy Tô Văn Hùng và lãnh đạo địa phương đến dự lễ bàn giao sửa chữa nhà cho mẹ Thìn. Năm nay, mẹ Thìn đã bước sang 101 tuổi, có chồng và con trai hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Dịp kỉ niệm 49 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đến thăm mẹ Thìn và lắng nghe nguyện vọng của mẹ là được sửa lại ngôi nhà cấp 4 đang ở. Bí thư Thành ủy đã quyết định trích nguồn kinh phí của Ban quản lý quĩ đền ơn đáp nghĩa thành phố với hơn 141 triệu đồng để giúp gia đình mẹ Thìn hoàn thành tâm nguyện.

Theo bà Trần Thị Lý, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Hòa Khương, ngoài kinh phí hỗ trợ của thành phố thì lãnh đạo địa phương cũng kết nối với Công ty gạch Đồng Tâm, chi nhánh Đà Nẵng hỗ trợ bằng hiện vật, trị giá 20 triệu đồng cùng nguồn đóng góp của gia đình 30 triệu đồng để cải tạo ngôi nhà cấp 4 đảm bảo chống chọi với bão lũ,  đáp ứng điều kiện sinh hoạt, chăm sóc cho Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thìn trong những năm tháng cuối đời. Hiện toàn xã Hòa Khương có 773 gia đình liệt sĩ và chính quyền địa phương luôn quan tâm làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân sâu sắc những hi sinh to lớn của các gia đình có công với cách mạng.

Dự buổi lễ bàn giao sửa chữa nhà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thìn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cũng bày tỏ niềm xúc động và biết ơn sâu sắc với những hi sinh, mất mát mà bản thân mẹ Thìn và gia đình đã trải qua trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Lãnh đạo địa phương xác định trách nhiệm cần phải làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa với 12 mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống trên địa bàn huyện.

Ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Hòa Vang, thông tin: Từ đầu năm nay, Phòng LĐ-TB và XH huyện Hòa Vang đã tiến hành rà soát hiện trạng nhà ở của các Mẹ Việt Nam anh hùng và những gia đình chính sách trên địa bàn để kịp thời báo cáo Sở LĐ-TB và XH thành phố có phương án hỗ trợ. Đến nay, toàn huyện có 54 nhà được hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng để xây mới và 30 triệu đồng cho các gia đình có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở. Chính quyền các cấp cũng phối hợp với các Hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động thêm kinh phí để các gia đình chính sách có điều kiện cải tạo nơi ở khang trang, đặc biệt là đảm bảo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện có điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt.

Cũng theo ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Hòa Vang, công tác đền ơn đáp nghĩa của địa phương nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Mặt trận các cấp huyện Hòa Vang và các tổ chức thành viên luôn coi trọng công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công. Đơn cử như phong trào nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương đã được các cấp Công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hòa Vang tích cực hưởng ứng. Công ty TNHH Tiến Thắng, một doanh nghiệp tư nhân chuyên về lĩnh vực may mặc xuất khẩu, có địa chỉ ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến là một điển hình về công tác này. Từ năm 2016, Công ty nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thanh, ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến và mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thí, ở thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu. Với nguồn lực dành cho công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội của doanh nghiệp, hàng tháng, lãnh đạo Công ty TNHH Tiến Thắng đã trao tặng mỗi mẹ 1 triệu rưỡi để cùng gia đình quan tâm, chăm sóc đời sống của các mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương. Cũng từng là người lính tham gia kháng chiến và từng bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc, ông Phạm Văn Bạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tiến Thắng thấm thía ý nghĩa sâu sắc của công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, qua hơn 20 năm hoạt động, ban lãnh đạo công ty luôn quan tâm dành nguồn lực và tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa do Liên đoàn Lao động huyện Hòa Vang và các cấp chính quyền vận động.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Tân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hòa Vang cho biết, ngoài các nhiệm vụ chuyên môn thì từng đơn vị công đoàn cơ sở đã có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động huyện để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Theo ông Huỳnh Tân, những năm qua, các cấp Công đoàn huyện Hòa Vang đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính là dựa trên nền tảng cả hệ thống chính trị địa phương, các hội, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, lan tỏa được ý nghĩa sâu sắc của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ” đến với mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động tại từng đơn vị công đoàn cơ sở.

Trên quê hương cách mạng Hòa Vang hiện có 11 nghĩa trang với hơn 5 ngàn mộ liệt sĩ. Nhiều năm nay, đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, chính quyền các cấp và nhân dân duy trì đều đặn việc tổ chức giỗ liệt sĩ tại 11 nghĩa trang liệt sĩ và làm giỗ tại nhà các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, các địa phương đã tổ chức được hàng nghìn lễ giỗ liệt sĩ. Đây là nét đẹp văn hóa dân tộc, một nghĩa cử cao đẹp thấm đẫm nhân văn, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước; góp phần an ủi, động viên các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, để họ thấy được sự hy sinh mất mát của người thân không những được Nhà nước công nhận, vinh danh mà còn được nhân dân trân trọng, tri ân mãi mãi.  

Trải qua 77 năm kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2024), bài học giáo dục về lòng biết ơn, trân trọng những trang sử hào hùng của dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn cần được nhắc nhở, khơi dậy truyền thống tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. Bên cạnh nghĩa cử tri ân các anh hùng liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, thì hành động tiếp bước cha anh, rèn đức, luyện tài, góp sức dựng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước cũng chính là thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”’.

Nguyên Khang

 

Tag:

File đính kèm