(Dangbodanang.vn) - Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 đang diễn ra, vào đúng dịp đầu hè nên lượng khách du lịch đến thành phố biển Đà Nẵng tăng mạnh. Đà Nẵng đã và đang tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo phục vụ du khách dịp lễ.
Đà Nẵng đã và đang tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo phục vụ du khách dịp lễ.
Sơn Trà là quận có ngành du lịch phát triển mạnh, các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú tập trung rất nhiều. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thời gian qua, quận Sơn Trà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường kiểm tra, lồng ghép hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý, đặc biệt là các cơ sở thức ăn đường phố đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài việc yêu cầu các đơn vị này đảm bảo an toàn trong khu vực chế biến thức ăn đến khâu bảo quản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều phải cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn an toàn thực phẩm từ khâu bảo quản đến chế biến thực phẩm, tạo uy tín, niềm tin đối với du khách.
Những ngày qua, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà chuẩn bị nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị nhằm kịp thời ứng phó các tình huống trước, trong thời gian diễn ra DIFF 2024. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà Dương Quốc Khánh, trung tâm đã triển khai công tác phối hợp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng trên địa bàn, đặc biệt là các đơn vị đặt trên các tuyến đường trọng điểm.
Với xu hướng kinh doanh bền vững, tạo uy tín các tiểu thương hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố cũng dân ý thức được rõ vai trò trách nhiệm trong hoạt động mua bán góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng và tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Búp, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống tại Chợ đêm Sơn Trà chia sẻ: "Chúng tôi luôn cố gắng chọn những thực phẩm tươi, ngon chất lượng và bảo quản cẩn thận, nhất là trong thời tiết nắng nóng như thế này để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân và du khách".
Tại quận Hải Châu, các phòng, ngành, đơn vị chức năng của quận Hải Châu đã tăng cường công tác thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Phòng Y tế quận tham mưu UBND quận thành lập các tổ kiểm tra phối hợp UBND các phường tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, cơ quan chức năng chú trọng kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có đăng ký hộ kinh doanh cá thể; kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các cơ sở thuộc quận quản lý. Ngoài ra, các lực lượng cũng tập trung thêm nội dung sử dụng dầu ăn tái sử dụng tại cơ sở; trong quá trình kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra (test) nhanh thực phẩm và đề xuất cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt những sai phạm theo quy định của pháp luật.
Bà Phạm Thị Thùy Phương, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu cho biết, ngay từ sớm, phòng đã chủ động tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân và du khách; qua đó không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm và không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trước và trong thời gian diễn ra Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 trên địa bàn quận. Từ nay đến hết ngày 13-7, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở đã có nhiều vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm, các cơ sở gần các địa điểm tập trung người dân xem pháo hoa trên địa bàn quận. Cơ quan chức năng cũng sẽ giám sát thực tế các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống về thủ tục hành chính (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, hóa đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm…); kiểm tra thực tế nguồn nước sử dụng, điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thực phẩm. Mặt khác, cơ quan chức năng tổ chức lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (trong trường hợp cần thiết); kiến nghị các biện pháp xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. UBND các phường còn xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý; đặc biệt là tại các phường Thuận Phước, Thạch Thang, Bình Hiên, Hải Châu 1, Phước Ninh, Bình Thuận - các địa bàn có điểm giữ xe phục vụ pháo hoa.
Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ lễ hội là quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại khu vực diễn ra sự kiện, do đó, UBND quận Hải Châu phối hợp Sở Du lịch, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tổ chức hội nghị tập huấn văn minh thương mại, văn hóa ứng xử, kỹ năng kinh doanh và kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh tại khu vực Phố đi bộ Bạch Đằng. Đại diện các cơ sở, nhân viên các cơ sở kinh doanh được báo cáo viên tại hội nghị phổ biến kiến thức chuyên môn về bảo đảm an toàn thực phẩm; hướng dẫn phân loại rác thải, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ngay tại các kiot để bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan...
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho hay: Trước và trong thời gian diễn ra DIFF 2024, Ban quản lý tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đồng thời giám sát an toàn thực phẩm đối với các tiệc chiêu đãi của lãnh đạo thành phố, nơi lưu trú của các Đội tham gia thi bắn pháo hoa. Trong đó, Đoàn sẽ kiểm tra thực tế các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống về thủ tục hành chính (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, danh sách xác nhận kiến thức của chủ cơ sở và nhân viên chế biến, hóa đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm…), nguồn nước sử dụng, điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (trong trường hợp cần thiết); lập biên bản thanh tra, kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có); phân tích, đánh giá hồ sơ liên quan ATTP, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm. Song song đó, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm về việc kiểm thực 3 bước từ khâu thu mua nguyên liệu thực phẩm đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các khách sạn, nhà hàng; chế độ lưu mẫu thực phẩm từ 24-48 giờ theo quy định.
Qua kiểm tra, Đoàn sẽ xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Ban quản lý ATTP thành phố cũng đề nghị UBND các quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà chỉ đạo phòng chuyên môn thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý (hộ kinh doanh) trên địa bàn. Đồng thời, các quận chỉ đạo UBND các phường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm chưa đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý trong thời gian diễn ra Lễ hội. Ngoài ra, mỗi ngày Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đều cắt cử người túc trực tại các bếp ăn của các nhà hàng, khách sạn để giám sát hoạt động nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm... đảm bảo tối đa vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội này.
Uyên Thư