Tiếp tục chương trình phiên họp 27, sáng nay (13/10), Ủy ban TVQH nghe Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới. Ủy ban TVQH đề nghị: không chỉ con số, tỷ lệ giải ngân cao mà chất lượng các công trình, dự án đầu tư phải đảm bảo.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn trong quá trình thực hiện là do chậm hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn mà có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, cần nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên cần tránh trường hợp giải ngân ồ ạt, không đạt được hiệu quả, chất lượng không được như mục tiêu đã đề ra:
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng cùng với tiến độ giải ngân thì phải bảo đảm chất lượng của công việc này. Ồ ạt giải ngân cao hơn nhưng mà giao cho địa phương, chúng ta không có kiểm tra, giám sát, phân bổ có bảo đảm đúng mục đích không? sau này có thất thoát tiêu cực, lãng phí? Quy định rất chặt chẽ, nguyên tắc phân cấp ủy quyền giao quyền nhưng phải gắn trách nhiệm kiểm tra".
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Về đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ về giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có "Ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nguồn vốn tự cân đối của ngân sách địa phương", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng: việc ủy thác này sẽ tạo linh hoạt, chủ động cho địa phương.
"Nếu áp dụng việc ủy thác qua ngân hàng thương mại lâu dài mà chứng minh được thực tiễn hiệu quả hơn, tốt hơn sẽ đóng góp một bằng chứng quan trọng cho việc cải thiện hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật đầu tư công không quy định việc này. Nhưng trong thời gian vừa qua chúng ta đã thí điểm cho phép áp dụng tại TP Hồ Chí Minh. Cho nên Ủy ban TCNS thống nhất với việc cho phép ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt đối với nguồn vốn cân đối của các địa phương"- ông Lê Quang Mạnh nói.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thừa nhận việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024 và đề nghị các địa phương bằng mọi giá sẽ giải ngân hết nguồn vốn năm 2023:
"Không chỉ con số, tỷ lệ giải ngân mà làm sao chất lượng của công trình các dự án đầu tư phải tốt. Chúng tôi sẽ báo cáo và cũng mong Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội địa phương cùng với chúng tôi cố gắng làm việc này. Một ý nữa, không chỉ vướng luật đâu mà vướng ngay cả những quy định về Nghị định, thông tư. Cơ bản đối với vốn đầu tư phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý thì khung pháp lý đã xong rồi. Phần vốn sự nghiệp nếu lần này được gỡ thì sẽ tháo gỡ được cơ bản hành lang pháp lý"- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu.Ảnh: Quochoi.vn |
Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban TVQH xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và Xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm/miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.