Sign In

Đà Nẵng cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

11:18 09/11/2023
(Dangbodanang.vn) - Đà Nẵng hiện có 38.700 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp. Thế nhưng, trong 3 quý đầu năm, đã có 3.460 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 477 doanh nghiệp giải thể, chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Do đó, từ đầu năm tới nay, Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Từ đầu năm tới nay, Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Mới đây nhất, UBND thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp với sự có mặt của hơn 50 đại diện hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trực tiếp trao đổi về những khó khăn, lắng nghe những ý kiến, đề xuất tháo gỡ vướng mắc hiện nay. Tình trạng thiếu đơn hàng, giảm giờ làm diễn ra ở nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, chế biến chế tạo. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho biết: Thủ tục cho vay vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố còn nhiêu khê, khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận và vay được vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp cần được đẩy nhanh. Đặc biệt, hiện có rất nhiều doanh nghiệp hội viên của hiệp hội bức xúc về vấn đề thiếu mặt bằng để triển khai dự án mới hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 25 ngày 3/10/2023 về giảm tiền thuê đất năm 2023, tuy nhiên chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, còn các doanh nghiệp đang thuê đất lại từ các chủ đầu tư khu công nghiệp thì không được thụ hưởng.

Cũng theo ông Phạm Bắc Bình, năm 2021, thành phố có quyết định về giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp nên Hiệp hội mong muốn thành phố xem xét ban hành quyết định tương tự để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa lâu nay gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất và đang rất trông chờ các cụm công nghiệp hoàn thành, đặc biệt là cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay: Sở đã làm việc với Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Hòa Cầm về lối vào Cụm công nghiệp Cẩm Lệ và chi phí khai thác khi dùng chung lối vào dự kiến ở mức giá nào. Ngoài ra, sở đang phối hợp UBND quận Cẩm Lệ tiếp tục xử lý vấn đề về nước thải và thoát nước. Song song đó, sở tập trung triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp khác như cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Về vay tín chấp, nhiều ngân hàng khó triển khai vì các yếu tố khách quan, bởi doanh nghiệp thế chấp tài sản tại ngân hàng còn rủi ro thì việc không có tài sản thế chấp rất khó xử lý. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng, lịch sử tín dụng tốt mà gặp khó khi vay tín chấp có thể gửi ý kiến tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng để kiến nghị. Chúng tôi sẽ xem xét và có chỉ đạo phù hợp”..

Tại buổi gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng kiến nghị, chính quyền thành phố tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng và chia sẻ thông tin về chính sách để mọi doanh nghiệp được tiếp cận. Thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm thời gian, chi phí làm thủ tục hành chính. Thành phố cần tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn, giảm tiền thuê đất, đầu tư thêm các khu công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các dự án mới để tạo động lực phát triển.

Đại diện Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) mong muốn rà soát lại cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, cụ thể là vấn đề xử lý ngập úng. Những trận mưa trong hai năm gần đây đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, hư hại máy móc. Mặc dù Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã thực hiện một số giải pháp như nạo vét, khơi thông cống nhưng những trận mưa to trong tháng 9 và tháng 10-2023 khiến doanh nghiệp lo lắng về khả năng thoát nước tại Khu Công nghệ cao nên cần phương án giải quyết lâu dài, căn cơ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh,  khẳng định, thành phố luôn chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và trân trọng những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân. Trong 3 quý đầu năm 2023, chính quyền thành phố Đà Nẵng tập trung mọi nguồn lực để khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và giữ vững tăng trưởng. Nhờ đó, kinh tế thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022; quy mô kinh tế đạt hơn 97.590 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022. Cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 41.860,5 tỷ đồng, thu hút 172,462 triệu USD vốn đầu tư FDI v.v… Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thành phố nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Phát biểu tạo Hội nghị “gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: Trong điều kiện hiện nay, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư; gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư của các dự án động lực trọng điểm của thành phố.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho hay, quan điểm của thành phố là bảo đảm hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp. Về kiến nghị liên quan tiền thuê đất, UBND thành phố sẽ nghiên cứu và đề xuất trình HĐND thành phố phương án điều chỉnh phù hợp. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tính pháp lý của một số lô đất mà doanh nghiệp kiến nghị. Về các cụm công nghiệp, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, thành phố ghi nhận vẫn còn chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, mong cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ, có phản ánh kịp thời để thành phố kịp thời tháo gỡ, có phương án xử lý và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức thêm những hội nghị đối thoại để doanh nghiệp có thể chia sẻ, nói lên khó khăn và có đề xuất để thành phố có phương hướng hỗ trợ phù hợp kịp thời, đúng thời điểm.

Thanh Toàn


Tag:

File đính kèm