(Dangbodanang.vn) - Sáng 13-12, kết luận phiên thảo luận kỳ họp 15 HĐND thành phố khóa X, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, không làm đúng, làm đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.
|
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Nhóm PV |
Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ gắn với chế tài xử lý cán bộ nếu vi phạm những biểu hiện này. Vừa qua, thành phố tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị đề cập về vấn nêu trên.
Hy vọng, sau đợt này sẽ có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là hạn chế thấp nhất 10 biểu hiện được nhận diện, nêu rõ trong Chỉ thị số 34-CT/TU của Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay”.
Trước đó, thảo luận liên quan đến vấn đề này, đại biểu (ĐB) Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tình trạng đùn đẩy, né tránh có nhiều nguyên nhân, mức độ, khía cạnh khác nhau, nhưng chung quy lại ở hai nhóm nguyên nhân chính là tâm lý và pháp lý.
ĐB cho rằng, tâm lý sợ sai dẫn đến cách thức giải quyết công việc “thúc thủ”, thiếu trách nhiệm với các cơ quan liên quan và thiếu trách nhiệm đối với quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Vấn đề này thường rơi vào công việc, vụ việc, thủ tục cụ thể, đơn lẻ nhưng lại tác động diện rộng và ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị và công việc của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phạm vi xử lý tình trạng này chủ yếu khu trú trong từng cơ quan, đơn vị và trách nhiệm điều hành của người đứng đầu. Do đó, giải pháp đầu tiên phải đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh công tác tham mưu của cấp phó và cấp dưới của mình, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh cấp dưới.
|
Đại biểu Lê Phú Nguyện phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Nhóm PV |
Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc xử lý tình trạng "thúc thủ", đùn đẩy, né tránh trong phạm vi nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc của đơn vị, địa phương mình quản lý.
“Trong điều kiện cơ chế quản lý và quy định pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, bất cập như hiện nay, người thủ trưởng đơn vị cần động viên, quán triệt cán bộ, công chức khi xử lý công việc cụ thể phải tìm mọi cách, tìm chỗ dựa để xử lý theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp”, ĐB Nguyện nói.
Về nguyên nhân pháp lý, đây vẫn là nguyên nhân chủ yếu, sâu xa dẫn đến tình trạng trì trệ hiện nay.
“Suy cho cùng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ có thể quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện những vấn đề trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn và trong khuông khổ pháp luật.
Các cơ quan kiểm soát quyền lực phải được trao quyền và thực hiện cả hai chức năng giám sát tuân thủ và giám sát hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trường hợp vì yêu cầu thực tiễn, yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, của địa phương nhưng pháp luật không phù hợp thì phải khuyến nghị điều chỉnh pháp luật vì hiệu quả quản lý, không xem xét xử lý hành chính, hình sự khi cán bộ, công chức hành động vì lợi ích chung, không vụ lợi cá nhân. Có như vậy mới có thể xử lý dứt điểm tình trạng e ngại, sợ sai hiện nay”, ĐB Nguyện nêu ý kiến.
Theo Báo Đà Nẵng
Tag:
File đính kèm