Sign In

Bài 1: Đột phá trong công tác cán bộ

09:13 22/05/2024
Sau hơn 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với việc ban hành và triển khai Đề án 89 (Thông báo số 89-TB/TU ngày 12-6-2008 về kết luận của Thường trực Thành ủy về việc tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng), đã gặt hái nhiều thành tựu, mang lại kết quả tích cực trong công tác cán bộ của thành phố. Đề án như một điểm son trong công tác cán bộ của Đà Nẵng.

 

Hoạt động giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: Trọng Huy

Chủ trương đúng đắn, kịp thời

Các hoạt động phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ chủ chốt ở phường, xã được tổ chức đồng bộ, nhiều cách làm mới góp phần hoàn thành cơ bản đạt mục tiêu chuẩn hóa, nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp và năng lực hội nhập của đội ngũ cán bộ chủ chốt phường, xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua từng giai đoạn xây dựng và phát triển thành phố.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, nhìn lại 15 năm triển khai thực hiện Đề án 89, khởi đầu từ tháng 6-2008, có thể đánh giá đây là một chủ trương đúng của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khóa XIX nhiệm kỳ 2005-2010, mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác cán bộ của Đảng bộ thành phố. Đà Nẵng đã tự đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa được một đội ngũ cán bộ thuộc hai chức danh đứng đầu đảng bộ, chính quyền phường, xã là cấp hành chính gần dân nhất. Sự khác biệt ở đây chính là chỉ tạo nguồn cho hai chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND, khác với trước đó và khác với nhiều địa phương tuy cũng quan tâm đến đào tạo cán bộ cho cấp hành chính gần dân nhất, nhưng chủ yếu đào tạo công chức thừa hành công vụ ở địa phương.

Sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy đại bộ phận học viên đã trưởng thành theo đúng mục tiêu đào tạo, đã vào các vị trí bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy phường, xã; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã; chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã. Đặc biệt có những cá nhân phấn đấu tốt được giao đảm nhận những vị trí trọng trách ở cấp thành phố, quận, huyện và có người vẫn là công chức.    

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng nhìn nhận, với việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, chất lượng về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của bí thư đảng ủy phường, xã, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố đều đạt chuẩn theo quy định. Bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã có độ tuổi tương đối trẻ, đa số có trình độ thạc sĩ, trình độ lý luận chính trị, bảo đảm về năng lực chuyên môn, sẵn sàng đảm đương và có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ tại phường, xã.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang Nguyễn Văn Vân cho biết, tổng số cán bộ Đề án 89 công tác trên địa bàn huyện là 29 người (25 nam, 4 nữ). Có 24 người đã vào vị trí lãnh đạo (chiếm 82,7%). Qua thời gian công tác, nhìn chung đều năng động trong công tác, tiếp cận công việc nhanh chóng, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ sau khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo đã phát huy được hiệu quả, năng lực, sở trường công tác góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bước đột phá của Đà Nẵng                    

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, tính đến nay, tổng số cán bộ thuộc Đề án 89 hiện đang công tác tại các địa phương, đơn vị là 123 người (tại phường, xã 80 người, tại các cơ quan, đơn vị khác 43 người). Trong đó, 14 người giữ chức vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy phường, xã; 8 người giữ chức vụ chủ tịch UBND, 29 người giữ chức vụ phó chủ tịch UBND, 31 người giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng trở lên. Có 41 người (33,3%) chưa giữ vị trí lãnh đạo, quản lý khác tại phường, xã do khó khăn về biên chế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lịch sử chính trị để bố trí cán bộ khi sắp xếp theo quy định của Trung ương về quản lý cán bộ, công chức phường, xã.

Đối tượng tham gia Đề án 89 được tuyển chọn có chất lượng, tuổi đời trẻ, có chính sách quan tâm cho học viên về bố trí công tác, học tập bồi dưỡng và thăng tiến trong công tác. Nội dung đào tạo tập trung các chuyên đề cơ bản phù hợp với thực tiễn quản lý tại phường, xã về hành chính công, quản lý đô thị, công tác Đảng, công tác chính quyền... và các kỹ năng về lãnh đạo, điều hành theo chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí công tác tại phường, xã giúp cho các học viên ngay sau khi tốt nghiệp có thể đảm đương được nhiệm vụ. Cùng với đó, công tác giới thiệu cán bộ ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã được thực hiện công khai, chặt chẽ, gắn với quy hoạch cán bộ, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của Bộ Chính trị, của Chính phủ, được ban thường vụ các quận ủy, huyện ủy, UBND các quận, huyện quan tâm chú trọng, kịp thời bổ nhiệm những vị trí còn thiếu nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Biểu đồ thể hiện số lượng cán bộ, công chức phường, xã trên địa bàn thành phố tính đến tháng 6-2023. Đồ họa: Thanh Huyền

 

Ông Đồng đánh giá, công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã được thực hiện công khai, đúng người, đúng việc và đúng chuyên môn trên cơ sở cử cán bộ quy hoạch từng chức danh. Nhờ đó, đội ngũ này cơ bản có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đạt chuẩn. Nhiều cán bộ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có khả năng vận dụng tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn ở địa phương. “Việc thực hiện chính sách thu hút sinh viên về công tác tại phường, xã và đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chức danh như Đề án 89 với cách làm mới đã bổ sung kịp thời nhân lực cho chính quyền phường, xã và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã”, ông  Đồng khẳng định.

Ngày 26-3-2024, Thành ủy ban hành Quyết định số 10215-QĐ/TU phê duyệt Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố. Với việc ban hành đề án mới này, thành phố tiếp tục xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng cán bộ phường, xã và xem đây là vấn đề cấp thiết, then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận trong tình hình mới, tạo bước chuyển có tính đột phá về đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.

Mục tiêu hướng đến là việc triển khai đề án bảo đảm có sự kế thừa, đồng bộ với các chương trình, đề án về công tác cán bộ đang thực hiện, chú trọng công tác phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ có thành tích vượt trội, năng lực công tác để tạo nguồn cán bộ chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã cho các giai đoạn tiếp theo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, sát yêu cầu tiêu chuẩn chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã gắn với phương thức quản lý chính quyền đô thị. Đồng thời, làm tốt công tác sử dụng, trọng dụng, phát huy hiệu quả sử dụng nhân lực được tuyển chọn, thực hiện tốt bố trí phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường, chế độ đãi ngộ phù hợp.

Từ năm 2015 đến nay, UBND các quận, huyện đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, bồi dưỡng lý luận chính trị và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với 1.633 lượt cán bộ, công chức thuộc diện quy hoạch chức vụ bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã; trong đó đối tượng được quy hoạch chức danh bí thư đảng ủy phường, xã là 957 lượt, chủ tịch UBND phường, xã là 676 lượt.

Theo Trọng Huy (Báo Đà Nẵng)

Tag:

File đính kèm