Đoàn giám sát MTTQ thành phố giám sát tại Công ty Xăng dầu khu vực 3 theo chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
(HPĐT)- Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị-xã hôi thực hiện 1.665 cuộc giám sát; tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, các Ban HĐND thành phố giám sát 2.573 cuộc. MTTQ các cấp tổ chức 41 hội nghị phản biện xã hội. Qua giám sát, phản biện chỉ ra những vướng mắc, khó khăn, hạn chế để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật.
Phát huy vai trò của các thành viên
Hội đồng tư vấn Các cuộc giám sát, phản biện do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức đều có các thành viên của Hội đồng tư vấn: Dân chủPháp luật, Kinh tế- Xã hội tham gia. Đồng thời, Ban Thường trực mời nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của các sở, ban, ngành tham dự, đánh giá nên chất lượng các cuộc giám sát, phản biện khá tốt. Tính từ đầu nhiệm kỳ, MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức 99 cuộc giám sát, tập trung vào các lĩnh vực: giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; bảo vệ môi trường; xây dựng nông mới, đô thị văn minh; trách nhiệm của người đứng đầu...; tổ chức 12 hội nghị phản biện xã hội chung quanh các vấn đề được dư luận quan tâm như: Nghị quyết một số chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng”; Dự thảo “Đề án phát triển nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2030”; Dự thảo “Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 tại thành phố Hải Phòng”...
Qua các cuộc giám sát, phản biện, nhiều ý kiến tâm huyết, phản biện có cơ sở, trách nhiệm cao, được người dân, cơ quan chức năng ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế- xã hội MTTQ Việt Nam thành phố Bùi Thanh Tùng cho biết, khi được giao phản biện các dự thảo đề án, các thành viên Hội đồng tư vấn đều nghiên cứu kỹ nội dung, từ đó đối chiếu quy định của pháp luật, tình hình thực tế tại thành phố để phản biện mang tính xây dựng. Hầu hết ý kiến phản biện của đại biểu đều được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tư vấn tiếp thu nghiêm túc và giải trình.
Riêng 6 tháng năm 2023, qua các cuộc phản biện, MTTQ Việt Nam thành phố gửi 58 ý kiến tới các cơ quan chủ trì soạn thảo, có 47 ý kiến được tiếp thu hoàn thiện, 11 ý kiến được giả trình rõ hơn. Đối với công tác giám sát, các thành viên đoàn cũng chỉ ra được cho cơ sở những thiếu sót, đề xuất giải pháp để đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Tuy nhiên, từ thực tế cũng cho thấy, chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả cao ở cấp thành phố; cấp huyện/quận, xã/phường còn một số hạn chế, ít nơi tổ chức được hội nghị phản biện, chủ yếu tham gia ý kiến. Nhiều ý kiến phản biện chưa chất lượng, sắc sảo; có đơn vị chậm tiếp thu, giải trình, phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần…
Bám sát nhiệm vụ chính trị, vấn đề người dân quan tâm
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng đoàn - Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, trong đó nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện hiệu quả cao, Đảng đoàn - Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chỉ đạo đổi mới công tác giám sát, phản biện theo hướng tăng số lượng, chất lượng, căn cứ vào khả năng của tổ chức mình, bám sát các nhiệm vụ chính trị của thành phố, nắm bắt những bức xúc, băn khoăn nhiều người dân quan tâm để lựa chọn nội dung phù hợp, bảo đảm nguyên tắc giám sát, phản biện xã hội của MTTQ mang tính xây dựng cao, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các địa phương, cơ quan, tổ chức.
Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội đạt hiệu quả cao, thực chất, theo đồng chí Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, bên cạnh việc Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26- 1-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; Thông tri 08/TT/TU, ngày 3-1-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, chính quyền các cấp phối hợp, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội. Các đơn vị được giám sát cần nghiêm túc thực hiện trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Đối với công tác nhân sự, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, bố trí cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đủ năng lực, trình độ, uy tín, có bản lĩnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng, chính quyền trong tình hình mới, để nâng cao hiệu quả triển khai, tổ chức các hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát, phản biện./.