Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, huyện Vĩnh Bảo phát triển toàn diện, đạt nhiều thành quả trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội.
Trong ảnh: Một góc đô thị thị trấn Vĩnh Bảo. Ảnh: Hiền Anh
(HPĐT)- Hòa chung khí thế thi đua lập thành tích kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 3-8, Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Bảo tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng- tiền thân của Đảng bộ huyện (8- 8-1938 – 8-8-2023), 185 năm thành lập huyện (1838 - 2023); đón nhận bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của huyện, tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cách đây 85 năm, ngày 8-8- 1938, tại nhà đồng chí Trịnh Khắc Dần ở xã Cổ Am, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo, tiền thân của Đảng bộ huyện ngày nay được thành lập với 3 đảng viên. Chi bộ ra đời là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Mặt trận Việt Minh, nhân dân Vĩnh Bảo vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng vào ngày 20-8-1945, lập ra Ủy ban cách mạng lâm thời. Với ý chí cách mạng kiên cường, niềm tin son sắc đối với Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Đảng bộ huyện lãnh đạo quân và dân Vĩnh Bảo tích cực bám đất xây dựng, mở rộng căn cứ du kích kháng chiến, chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, thu nhiều vũ khí của địch, đồng thời viết nên trang sử vàng truyền thống vẻ vang "Đường 10 quật khởi". Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Bảo cùng quân dân cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, quân và dân huyện Vĩnh Bảo đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, tạo bước phát triển mới, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị theo các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Nhờ vậy, kinh tế của huyện phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao, bình quân 5 năm (2015- 2020) đạt 13,02%, năm 2022 đạt 14,64%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, có hiệu quả thiết thực. Trên địa bàn huyện hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đang phát huy hiệu quả tích cực… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Cơ sở hạ tầng ngày được quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện. Đến nay, nhiều công trình được đầu tư xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng như: Trung tâm văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, các cầu Đăng, cầu Hàn, cầu Hóa; đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; đường từ cầu Nhân Mục đến Lạng Am; quốc lộ 10, quốc lộ 37, đường 17B; hoàn thành tuyến đường từ cầu Lạng Am nối đường bộ ven biển; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt Cụm công nghiệp Giang BiênDũng Tiến… Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu thực hiện đạt hiệu quả rõ nét, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022 vào ngày 18-4-2023. Đến nay, toàn huyện có 1.246 km (đạt 100%) đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân địa phương; 3 xã Tân Liên, Tam Đa, Hòa Bình hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu, 7 xã đang triển khai xây dựng hoàn thành trong năm 2023. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng (năm 2022 gấp 4,43 lần so với năm 2010). Diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi thay. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội phát triển mạnh mẽ. Nhiều năm liền, Vĩnh Bảo là huyện đứng đầu khối ngoại thành về số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Vĩnh Bảo tự hào là vùng đất hiếu học, khoa bảng, quê hương của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...
Huyện Vĩnh Bảo là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng, hiếu học, vựa lúa của thành phố. Cách đây 185 năm - năm Minh Mạng thứ 19 (1838), huyện Vĩnh Bảo được thành lập. Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử, thực hiện sáp nhập, chia tách, đến nay huyện có 29 xã, 1 thị trấn với diện tích 180 km2, dân số gần 190.000 người.
Tổng kết các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện Vĩnh Bảo có 4.934 liệt sĩ, 3.005 thương binh, 785 bệnh binh; 499 mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 50 cán bộ lão thành cách mạng, 6 cán bộ tiền khởi nghĩa, 566 người bị địch bắt tù đày, 499 người bị nhiễm chất độc hóa học… Toàn huyện có 9 tập thể vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 1 Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 1 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 87 huân chương các loại; 11.251 người được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen về thành tích kháng chiến...
Từ 3 đảng viên ngày đầu thành lập, đến nay, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo có 9.350 đảng viên, sinh hoạt ở 72 tổ chức cơ sở Đảng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền luôn được quan tâm tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.
Phát truyền thống quê hương cách mạng, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Bảo tiếp tục đoàn kết, tập trung thực hiện có hiệu quả cao các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tập trung đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn liền với xây dựng NTM mới kiểu mẫu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Cụm công nghiệp Giang Biên, Dũng Tiến - Giang Biên, Dự án phát triển khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóaxã hội, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đồng thời phát huy ý chí tự lực tự cường, nguồn nội lực của huyện, đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 đề ra; xây dựng quê hương Vĩnh Bảo ngày càng giàu đẹp, văn minh, hòa nhịp cùng sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững của đất nước và thành phố. Trước mắt, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và Nghị quyết Đại hội 26 đề ra./.