Sign In

Xây dựng Hải Phòng thành “thành phố gương mẫu” như lời Bác dạy

11:10 17/05/2024
(HPĐT)- Hải Phòng vinh dự được đón Bác Hồ 9 lần về thăm, làm việc. Mỗi lần, Người đều để lại dấu ấn riêng với những lời căn dặn mang tính định hướng trong xây dựng, phát triển thành phố. Khắc ghi lời dạy của Bác, trải qua các giai đoạn lịch sử, thành phố Cảng không ngừng phấn đấu để “trở nên thành phố gương mẫu của nước ta”. Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19- 5-1890 - 19-5-2024), đồng chí NGUYỄN VĂN HIỂU, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng cuối tuần chung quanh nội dung này. 

 

Bác Hồ thăm Cảng Hải Phòng (ảnh tư liệu)

- Trong phong trào cách mạng và tiến trình phát triển của đất nước, Hải Phòng được xác định là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng nên nhiều lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đồng chí có thể thông tin rõ hơn về sự quan tâm của Người đối với thành phố Cảng?

- Ngày 20-10-1946, sau chuyến thăm Cộng hòa Pháp dài ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước bằng đường biển. Đó là lần đầu Bác đặt chân đến Hải Phòng. Bến Ngự (Cảng Hải Phòng) trở thành nơi đón Bác. Dịp đó, Người dành thời gian làm việc, chỉ đạo công tác của Đảng bộ, chính quyền thành phố, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Sau đó, trong giai đoạn từ tháng 6- 1955 đến tháng 2-1963, tức trong chưa đầy 8 năm, Bác có thêm 8 lần về thành phố Cảng. Với 9 lần về thăm và làm việc trực tiếp, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương được Bác về thăm nhiều nhất của cả nước. Điều đó cho thấy, Bác đánh giá cao vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Cảng trong tiến trình phát triển đất nước và phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngay trong những ngày bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hết sức chú ý và quan tâm tới vị trí chiến lược của thành phố Hải Phòng. Người lựa chọn thành phố là đầu cầu quan trọng để chuyển tải tài liệu cách mạng và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước và là nơi tập hợp lực lượng thanh niên ưu tú trong nước để chọn cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) huấn luyện cách mạng. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi, chỉ đạo và dành sự động viên to lớn đối với Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An. Như tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng quân dân Hải Phòng lá cờ thêu hai chữ “Trung dũng” vì những thành tích lập được trong những ngày đêm bảo vệ thành phố Cảng cuối tháng 11-1946. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và tặng ảnh chân dung có chữ ký của Người cho Công an Hải Phòng về thành tích diệt tề, trừ gian. Tháng 9-1953, Bác gửi thư khen đồng bào, chiến sĩ, cán bộ huyện Tiên Lãng anh dũng phá càn thắng lợi và tặng thưởng địa phương Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải Phòng là trọng điểm oanh kích dữ dội của không quân Mỹ. Quân dân thành phố ngoan cường, cùng cả nước vừa chiến đấu vừa sản xuất, đồng thời chi viện hiệu quả cho chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều quan tâm chỉ đạo cũng như động viên thành phố kịp thời. Như tháng 3- 1968, Bác gửi thư khen quân và dân Hải Phòng bắn rơi 200 máy bay Mỹ. Tháng 6-1969, Bác gửi tặng Trường phổ thông Vĩnh Niệm (Hải Phòng) bức chân dung của Người với dòng đề tặng ý nghĩa. Tháng 8-1969, trước lúc đi xa, Bác gửi lẵng hoa tặng cán bộ, công nhân Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng nhân dịp Quốc khánh 2-9 vì lập nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và bảo đảm giao thông thông suốt.

- Nội dung chủ yếu trong những lời căn dặn của Bác tại những lần Người về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố là gì?

- Trong mỗi lần về thăm, làm việc tại thành phố, Bác đều dành thời gian để tiếp xúc, tìm hiểu, trò chuyện với nhiều tầng lớp nhân dân cũng như có nhiều cuộc làm việc, chỉ đạo công tác của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của thành phố. Trong mỗi lần đó, Bác đều có những chỉ dẫn, dặn dò cụ thể. Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bác dặn phải củng cố tổ chức Đảng vững mạnh; xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng và phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Về xây dựng và phát triển thành phố giàu mạnh, trước hết, Hải Phòng phải nắm rõ và biết cách phát huy vị thế đặc biệt của thành phố là thành phố Cảng - đầu mối giao thông quốc tế lớn của cả nước, trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ lớn ở các tỉnh phía Bắc, vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và vị trí địa kinh tế - chính trị - quân sự chiến lược trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước luôn đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Từ đó, Bác mong muốn “Xây dựng Hải Phòng trở nên thành phố gương mẫu của nước ta”. Thứ hai, Bác yêu cầu Hải Phòng phải biết khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của chính thành phố để xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố. Đó là nguồn lực về vị trí địa lý, nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn lực con người Hải Phòng với nhiều bản sắc ưu thế cho phát triển. Thứ ba, Bác chỉ rõ cách thức để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ là phải biết huy động nguồn lực để xây dựng, phát triển Hải Phòng, hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; xây dựng, phát triển thành phố cả về vật chất và tinh thần, hơn thế phải là thành phố “Sạch sẽ về vật chất và sạch sẽ về tinh thần”.

Về mục đích xây dựng và phát triển thành phố, Bác dặn là để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân: “Làm cho mọi người dân sung sướng ấm no”, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội để cho đời sống toàn dân được ấm no, hạnh phúc”. Mục đích xây dựng và phát triển thành phố là phải nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

- Hải Phòng khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác trong các giai đoạn lịch sử, nhất là giai đoạn hiện nay như thế nào?

- Gần 80 năm qua, Đảng bộ, chính quyền quân và dân thành phố Cảng Hải Phòng luôn thực hiện theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong những lần Người về thăm, làm việc tại Hải Phòng. Trong đó, biến nhận thức thành hành động, Hải Phòng trung dũng, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vừa bảo vệ vừa xây dựng thành phố ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trước đó là Nghị quyết số 32 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóahiện đại hóa, với đội ngũ cán bộ dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chung tay của người dân, Hải Phòng phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy với diện mạo mới, sức bật mới. Trong đó, phải kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì 9 năm liên tục ở mức hai con số, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế”, thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố; đào tạo nghề cho lao động; nhất là phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tag:

File đính kèm