Sign In

Trí tuệ lớn, nhân cách lớn vì nước, vì dân

07:33 25/07/2024
Một trái tim lớn vì đất nước vì nhân dân đã ngừng đập…

Trọn đời vì nước, vì dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, có một vị trí đặc biệt trong trái tim nhân dân Việt Nam. Nỗi niềm thương tiếc trào dâng… Trong đau thương càng cảm nhận rõ tình cảm yêu quý, kính trọng của nhân dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sâu nặng vô cùng.

Trước khi được phân công là Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng đảm trách chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, một đơn vị mà những năm sau này tôi được vinh dự phân công làm Trưởng ban.

Trưởng thành từ môi trường báo chí, có gần 30 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản nên Tổng Bí thư hiểu rất sâu công việc báo chí, luôn dành mối quan tâm và tình cảm đặc biệt cho những người làm báo. Là một người chuyên viết bình luận về đời sống quốc tế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam, được trực tiếp tham gia và chứng kiến nhiều sự kiện đối ngoại nổi bật của đất nước trong khoảng 40 năm qua, được nhiều lần tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm nhận rõ bản lĩnh, trí tuệ lớn, tầm nhìn rộng mở của của người đứng đầu Đảng ta để lãnh đạo đất nước nắm bắt cơ hội, vượt qua những bão tố, thác ghềnh của thời cuộc, tạo vị thế cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin hội đàm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Chưa ai có thể quên, một tháng trước đây, ngày 20-6-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều, vẫn tiếp và hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm thứ 5 của người đứng đầu nước Nga đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (1994-2024). Chuyến thăm đó đã để lại những ấn tượng rất sâu đậm và tốt đẹp đối với Tổng thống Nga V. Putin. Lúc này, nhớ lại những hình ảnh, giọng nói Tổng Bí thư trong chuyến thăm Việt Nam đó của Tổng thống Nga V. Putin, trái tim chúng ta trào dâng xúc động. Không một ngày được ngơi nghỉ, cho đến những ngày cuối đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tận hiến tài năng, tâm sức cho đất nước và nhân dân.

Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng, từ tháng 9-2023 đến tháng 6-2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp và hội đàm với ba nguyên thủ của ba cường quốc lớn nhất thế giới: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V. Putin trong các chuyến thăm chính thức Việt Nam, đưa quan hệ của nước ta với ba cường quốc này lên tầm vóc mới, cao nhất và sâu sắc nhất. Đó là điều chưa từng có không chỉ trong lịch sử ngoại giao Việt Nam mà còn trong các mối bang giao quốc tế. Những chuyến thăm cấp cao có dấu ấn lịch sử liên tiếp đó đã xác lập một vị thế chiến lược mới của Việt Nam trong một thế giới đang biến động sâu sắc, thể hiện vai trò, uy tín cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam trở thành điểm hẹn có sức hút mạnh cho sự hợp tác, nhưng đồng thời cũng là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Nhìn ra toàn cầu có thể thấy không ít nước có hoàn cảnh tương tự, đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đua tranh quyền lực giữa các nước lớn, trở thành công cụ, con bài chiến lược, thậm chí là chiến trường đẫm máu của dạng “chiến tranh ủy nhiệm”. Mất quyền tự chủ, thở bằng bình ô xy của người khác, đánh mất mình là bài học đắt giá nhất trong mối bang giao quốc tế.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam đã tìm ra phép “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn để hóa giải bão tố, sóng ngầm từ cạnh tranh chiến lược giữa họ. Có thể khẳng định rằng, bằng những bước đi uyển chuyển, khéo léo theo trường phái “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã tạo bước đột phá, nhưng vẫn duy trì được sự hài hòa “cân bằng động” trong bối cảnh mới rất nhạy cảm và đầy thách thức. Là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, với bản lĩnh, trí tuệ và một sự năng cảm đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo và điều hành nhịp nhàng các bước triển khai chiến lược đối ngoại của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh các cường quốc hàng đầu thế giới cạnh tranh, đối đầu gay gắt, gây nên những dòng xoáy dữ dội trong quan hệ quốc tế.

Lần đầu tiên, khái niệm “Ngoại giao cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, tiếp đó, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên vào tháng 12 năm 2021, Tổng Bí thư nêu rõ rằng “Trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Và trường phái này đã thực sự được nâng lên tầm lý luận khi tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 ngày 19-12-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam" rất đặc sắc và độc đáo: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Sau nhận định này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận, phân tích của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định tính khoa học, bản sắc độc đáo, tính hiệu quả, sức thuyết phục mạnh mẽ và thành công nổi bật của trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam".

Cây tre có hai đặc tính: Dẻo dai, uyển chuyển và không bao giờ đứng riêng lẻ mà mọc thành khóm, thành bụi, thành luỹ. Một cây tre đã có độ bền chắc hơn nhiều loại cây khác, còn khi mọc thành luỹ thì tre có một sức mạnh bền vững, dù bão tố có làm ngả nghiêng nhưng không bao giờ bị bật gốc.

Thành công của trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, nhân ái, hòa hiếu; từ khí phách quật cường, không bao giờ chịu quỳ gối khuất phục trước cường quyền của dân tộc Việt Nam; từ tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết nhưng không cực đoan, mà luôn gắn liền tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế cao cả; từ đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, mở ra một không gian đối ngoại rộng lớn; từ những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, nâng cánh cho ngoại giao vươn xa…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ 10 đến 11-9-2023 được giới quan sát và truyền thông quốc tế bàn luận rất nhiều, nhất là về vị thế của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn đang diễn ra rất quyết liệt ở Châu Á- Thái Bình Dương. Việc sắp xếp chuyến đi của Tổng thống Mỹ trong một hoàn cảnh đặc biệt đã cho thấy Mỹ rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện rõ sự linh hoạt, năng động của ngoại giao Việt Nam. Một sự kiện ngoại giao đẹp đã được cả hai phía phối hợp thực hiện và thành công mỹ mãn. Ban đầu, Tổng thống Joe Biden mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa thực hiện được chuyến thăm đó và đã gửi thư mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam. Để thực hiện chuyến thăm Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chưa từng có tiền lệ, điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại của cả Tổng thống và Phó Tổng thống.

Dấu ấn lịch sử của chuyến thăm này là hai bên đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đề ra những phương hướng lớn cho hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa. Đây là văn kiện hết sức quan trọng với 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực. Điều đó cho thấy, hợp tác hai nước không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu và thực chất hơn; không chỉ trên bình diện hợp tác song phương mà trong các vấn đề khu vực và ở tầm toàn cầu. Văn kiện này hàm chứa nhiều nội dung quan trọng và hai bên đều gửi gắm trong đó những mong ước, những kỳ vọng và cả những cảm xúc hướng tới tương lai.

Việc xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Lần đầu tiên, nước ta có quan hệ từ cấp độ Đối tác chiến lược với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp), qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.

Sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, lời đầu tiên trong bài phát biểu tại Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19-9-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là hình mẫu vượt qua quá khứ, từ đối thủ thành đối tác để giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Trên diễn đàn quốc tế lớn nhất, với sự tham dự của 150 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo của nhiều nước và tổ chức quốc tế, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh: Không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất.

Nhớ lại, 9 năm trước, năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc rất thành công chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Nhìn trên mọi góc độ, đây là một chuyến đi lịch sử. Quả thực, cách đấy 20 năm, khó có thể hình dung cảnh tượng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng ở Washington, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đàm đạo cởi mở, thân mật và thực chất như vậy với Tổng thống Mỹ. Nước Mỹ không có một hệ thống thể chế và vị trí lãnh đạo tương ứng như Việt Nam, nên việc lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đón tiếp với nghi lễ chính thức rất trang trọng dành cho người đứng đầu một đảng chính trị, mà đó lại là Đảng Cộng sản Việt Nam thì quả thực đây là một sự kiện rất đặc biệt, vượt quá suy nghĩ thông thường của nhiều người. Và mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước, ký Tuyên bố chung nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó không chỉ là phép thử liều cao mà đã trở thành bằng chứng sống động cho thấy rõ Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị và mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới. Phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chính là việc duy trì hài hòa “cân bằng động” quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, tránh phụ thuộc vào một đối tác nào.

Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2023, chúng ta đã đón nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai cường quốc này đang coi nhau là đối thủ chiến lược và đang cạnh tranh rất quyết liệt. Chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 12 và 13 tháng 12 năm 2023 với việc ký Tuyên bố chung mang dấu ấn lịch sử, theo đó, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc thêm và nâng quan hệ đối tác chiến lược Việt – Trung lên một tầm cao mới. Chuyến thăm Việt Nam là một trong hai chuyến công du quan trọng của ông Tập Cận Bình trong năm 2023 (chuyến thăm đầu tiên là đến Nga) thể hiện đầy đủ sự coi trọng quan hệ với Việt Nam của lãnh đạo Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường cung ứng hàng hoá lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn nhất trong ASEAN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đầy đủ với cả ba cường quốc Trung Quốc, Nga và Mỹ. Cấp độ đối tác chiến lược toàn diện có “những mẫu số chung”, nhưng với mỗi cường quốc lại có sự tương đồng và sự khác biệt, đòi hỏi Việt Nam vừa phải có bản lĩnh và lại vừa phải có sự năng hoạt, uyển chuyển, ứng xử phù hợp.

Thực tế lịch sử đã chứng minh Việt Nam và Nga gắn bó với nhau trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống, kế thừa giá trị tốt đẹp từ thời Liên Xô, nhưng hiện nước ta cũng đang chịu tác động tiêu cực từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Chúng ta tuyên bố rõ ràng: Việt Nam chọn công lý và chính nghĩa chứ không chọn bên! Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6 -2024 vừa rồi, Tổng thống Nga V. Putin đã đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam.

Trung Quốc là nước lớn, láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, tương đồng về thể chế chính trị XHCN, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, nhưng còn có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Chúng ta kiên quyết phản đối chính trị cường quyền, bao vây, cấm vận; phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này như gốc của cây tre, bền vững, nhất quán, không dao động.

Quan hệ Việt - Mỹ, mặc dù đã trải qua quá khứ đau thương nặng nề, nhưng hai bên đã có tầm nhìn chiến lược, nỗ lực lớn để “vượt qua khác biệt”, “phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và đã đạt được những bước tiến dài, trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Nền tảng để xây dựng và phát triển quan hệ Việt - Mỹ là hai bên tôn trọng chế độ chính trị của nhau. Đây là điều cốt lõi nhất. Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là khâu đột phá.

Đã từng xuất hiện đây đó những lo ngại, những cảnh báo rằng Việt Nam đang “mắc kẹt” trong mâu thuẫn, đối đầu căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ và Nga. Nhưng thực tế đã cho thấy bước đột phá đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên cấp độ cao nhất đã không gây trở ngại, xáo trộn quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, với Nga và với các nước lớn khác. Chúng ta đã chủ động trao đổi cởi mở và chân thành để các nước hiểu rõ chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Đối sách này thể hiện sự vững vàng, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Có thể thấy rõ, mặc dù theo đuổi mục tiêu chiến lược khác nhau, thậm chí xung đột nhau, nhưng các nước lớn đều tôn trọng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam. Trong ba khoá liền đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư, Việt Nam đã thực sự có một tư thế chiến lược mới ngày càng vững chắc.

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ đối ngoại nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Quy mô nền kinh tế của nước ta năm 2023 đạt 430 tỉ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Thành công nổi bật có ý nghĩa lịch sử của trường phái “ngoại giao cây tre” đã góp phần làm sáng rõ nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tin buồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần nhanh chóng lan khắp toàn cầu, tạo nên niềm xúc động lớn. Cuba tuyên bố để quốc tang. Lãnh đạo nhiều nước, các chính đảng, các tổ chức quốc tế... đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc, đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhà lãnh đạo vĩ đại”, “nhà lãnh đạo kiệt xuất”, “ người anh em vĩ đại”, “con người tuyệt vời”…, đóng góp tích cực cho hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong cộng đồng quốc tế. Báo chí và truyền thông quốc tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, và thực hiện thành công chính sách đối ngoại “cây tre Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo luôn đau đáu, trăn trở vì sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Có những người mà “cái chết ươm mầm sự sống”, sự ra đi của họ lại thúc giục bao người bước tiếp cuộc hành trình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thuộc về những lớp người như vậy.

Niềm thương tiếc và lòng cảm phục thấm sâu, lan xa…

Nguồn: Báo Hànộimới điện tử

Link:https://hanoimoi.vn/tri-tue-lon-nhan-cach-lon-vi-nuoc-vi-dan-672965.htm   

Tag:

File đính kèm