Sign In

Kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố: Kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô

17:51 19/11/2024
Ngày 19-11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19) để xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

Quang cảnh kỳ họp

Dự kỳ họp có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH thành phố, Thường trực HĐND, UBND, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Quyết nghị về một số nội dung

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, gồm 7 chương, 54 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 (một số nội dung có hiệu lực từ ngày 1-7-2025). Để triển khai, thi hành Luật Thủ đô, Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch, trong đó rà soát kỹ lưỡng các nội dung, nhiệm vụ, xác định rõ lộ trình và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản của thành phố để cụ thể hoá các quy định của Luật, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, chất lượng, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp

Theo Kế hoạch, HĐND thành phố sẽ ban hành 89 nghị quyết, gồm 76 nội dung quy phạm pháp luật và 13 nội dung văn bản cá biệt. Dự kiến trong năm 2024 sẽ ban hành 28 nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025 để đảm bảo cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô, trong đó tại kỳ họp thứ 19 này, HĐND thành phố sẽ xem xét, ban hành 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô gồm các nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy.

Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các Ban của HĐND thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND thành phố thảo luận và quyết định, bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết

Tại kỳ họp, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 15 Nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung, quy định, là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời triển khai thi hành Luật Thủ đô và tháo gỡ, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn phát triển của thành phố.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Chủ tọa kỳ họp

Những nghị quyết quan trọng

*HĐND thành phố đã thống nhất ban hành Quy định về việc UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố phân cấp, uỷ quyền cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố theo khoản 1, khoản 6, Điều 14 Luật Thủ đô năm 2024.

Theo đó, phân cấp cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố về: Đề xuất các nội dung đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; Lập và đề xuất phê duyệt Dự toán chi phí chuẩn bị dự án và dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài; lập và trình phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

Ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố: Lập và trình phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện quản lý hợp đồng đối với dự án PPP; thực hiện công tác thẩm định các nhiệm vụ về đo đạc, cắm mốc; trình UBND thành phố quyết định đầu tư đối với một số dự án nhóm B, nhóm C; phê duyệt và điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực và chỉ định đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục thực hiện phần công việc còn lại của hợp đồng.

*HĐND thành phố Hà Nội cũng đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Nghị quyết gồm 5 Chương, với 25 Điều. Đối tượng áp dụng gồm 3 nhóm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình nhượng quyền khai thác, quản lý (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị); doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận nhượng quyền khai thác, quản lý 6 công trình, hạng mục công trình theo quy định tại Nghị quyết này (gọi chung là doanh nghiệp, nhà đầu tư); các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình, hạng mục công trình nhượng quyền khai thác, quản lý.

* HĐND thành phố đã xem xét thông qua Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Nghị quyết có 4 chương và 24 điều với nguyên tắc chung, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; tính thống nhất về quản lý ngành, lĩnh vực công tác. Không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác. Bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thì bảo đảm số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố  không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định; tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định.

Nghị quyết được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 4 Điều 9 Luật Thủ đô, nhằm đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền, chủ động trong quản lý tổ chức bộ máy, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhay, kịp thời. Nghị quyết cũng nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập về tổ chức, bộ máy, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

* Tiếp đó, HĐND thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội. Đây cũng là nghị quyết thực hiện khoản 3 Điều 10 Luật Thủ đô.

Nghị quyết gồm 3 Chương, 13 Điều. Việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định đảm bảo theo thẩm quyền quy định của Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn hiện hành; đảm bảo tính tổng thể, thống nhất.

Đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung cơ bản của Nghị quyết là quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố, bao gồm: Trình tự, thủ tục thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố; trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố (Về trình tự, thủ tục cụ thể hóa bằng các Điều được sắp xếp theo thứ tự các bước thực hiện, quy định cụ thể các bước từ xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình thành lập, nội dung hồ sơ, nội dung thẩm định, Quyết định thành lập, thời hạn giải quyết xử lý hồ sơ).    

Bảo Vy - Thanh Thủy

Tag:

File đính kèm