Sign In

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy: Lan tỏa nhiều cơ chế, chính sách đặc thù

15:00 24/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Sáng 24-3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” tổ chức tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chương trình.Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU chủ trì hội nghị.Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình.

Đầu tư phát triển mạng lưới y tế, giáo dục…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành uỷ, Chương trình đặt ra với 27 chỉ tiêu, 12 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Quang cảnh hội nghị

Điểm nổi bật của Chương trình số 08-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ đến nay là nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội đã được ban hành để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ người dân, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19.

Ngoài ra, thành phố quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Để đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới y tế, giáo dục đào tạo và văn hoá xã hội, Thành uỷ, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về đầu tư 3 lĩnh vực đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách quan trọng khác.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị

 

Với những chính sách, giải pháp tích cực, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình, đã có 19 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tiêu biểu như tỷ lệ thất nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 đạt dưới 3%, kết quả đạt 2,54%; tỷ lệ hỏa táng, mục tiêu đến năm 2025 đạt 73-75%, trước khi thực hiện Chương trình tỷ lệ này là 64%, đến nay đạt 82%. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 44,9% (mục tiêu 40%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,25% (mục tiêu 95%). Đến nay, Hà Nội không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của thành phố).

Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 822.000 lượt lao động, tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố đạt dưới 3%. Trên địa bàn thành phố hiện có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 970.493 lượt người.

Đáng lưu ý, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai có hiệu quả, nhất là trong những năm diễn ra đại dịch Covid 19. Đồng thời, Hà Nội triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố, xác định lộ trình, từng giai đoạn cụ thể. Năm 2025, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử để phấn đấu đạt mục tiêu 100% người dân được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử...

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Chủ tịch UBND quận Long Biên tham luận

 

Tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, đại diện các quận, huyện Long Biên, Hà Đông, Ba Vì... đã tham luận, chia sẻ một số kinh nghiệm, kết quả triển khai Chương trình 08-CTr/TU trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, với những cách làm đổi mới, sáng tạo, khoa học, hiệu quả, thực chất, lan tỏa sâu rộng, có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình, nhiều quận, huyện, thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt là công tác đầu tư cho y tế, trường chuẩn quốc gia, tu bổ di tích, công tác sửa chữa nhà ở xuống cấp, ... không chỉ làm ở Hà Nội mà còn đóng góp cho một số tỉnh, thành phố bạn- điều đó cho thấy tính chất nhân văn của Chương trình.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn trao Bằng khen của Thành uỷ cho các tập thể

Cũng theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, ngoài các chính sách trên, thành phố cũng luôn sát sao trong việc hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là khi cơn bão Yagi gây ảnh hưởng đến vùng đào, quất, HĐND thành phố đã tổ chức riêng một kỳ họp để kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân vùng trồng đào, quất bị ảnh hưởng bởi bảo Yagi.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đất nước và Thủ đô đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Vì thế, công tác đảm bảo và phát triển an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô là nhiệm vụ rất có ý nghĩa và được thực hiện thường xuyên, liên tục và không có điểm kết thúc.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tinh thần trách nhiệm, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, triển khai các nhiệm vụ.

Trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm, liên quan đến giảm nghèo, Hiện, toàn bộ hộ nghèo không còn nghèo theo chuẩn của thành phố Hà Nội nhưng vẫn còn 9.928 hộ cận nghèo, nếu không làm tốt thì có thể dẫn đến tái nghèo. Vì thế, thành phố cần tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Không bao giờ bằng lòng với những kết quả đạt được, làm tốt rồi phải làm tốt hơn; thực hiện rà soát việc khám, quản lý sức khỏe người dân...”- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Trên cơ sở kết quả của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa những kết quả nổi bật, mô hình hay, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn thành phố. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố như Luật Thủ đô 2024 để rà soát đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế của Thủ đô.

Đồng chí Vũ Thu Hà trao Bằng khen của UBND thành phố cho các cá nhân

Bên cạnh đó, chỉ đạo, triển khai quyết liệt Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố về đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, góp phần phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Nhân dịp này, Thành uỷ Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân; UBND thành phố tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành uỷ.

Cũng tại hội nghị, UBND thành phố Hà Nội cũng tặng Bằng khen cho 29 tập thể, 24 cá nhân có thành tích trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

 Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành uỷ trao quà cho 10 hộ gia đình cận nghèo đã thoát nghèo thành công qua sự hỗ trợ từ các chính sách của thành phố và sự nỗ lực của gia đình.

Bảo Vy-Thanh Thuỷ

 

 

Tag:

Bài viết tích hợp từ : baosoctrang.org.vn