I
Từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” nhân kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với Nhân dân. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay, đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VIII đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
Đối với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ngoài ngày truyền thống chung của ngành còn một dấu mốc lịch sử đáng nhớ khác đó là ngày thành lập, ngày 3-3-1949; đến nay là tròn 75 năm.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể ngành Tuyên giáo Thủ đô có thành tích xuất sắc năm 2023
Trở lại khoảng thời gian có ý nghĩa lịch sử đó, tháng 10-1948, trước yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến của Hà Nội, Liên khu ủy III quyết định tách tỉnh Lưỡng Hà trở về hai đơn vị cũ. Ban Tuyên huấn được tái lập lại, tuy có chương trình hành động nhưng cán bộ của Ban rất thiếu, nên nằm trong Ban Đảng vụ của Thành ủy, chưa mang đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là một Ban trong hệ thống công tác tổ chức xây dựng Đảng như ở Hà Đông, Sơn Tây. Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô, nơi quân Pháp chiếm đóng; chúng biến Hà Nội thành trung tâm chỉ đạo chiến tranh của 3 nước Đông Dương. Nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân gia tham đóng góp vào cuộc kháng chiến cũng như công tác tuyên huấn của Thành ủy có đặc trưng riêng, nhất là ở khu vực nội thành. Do vậy, Hội nghị Thành ủy trong ba ngày 11, 12 và 13-2-1949 đã phân công các đồng chí Thành ủy viên trực tiếp phụ trách các ban xây dựng đảng, kiện toàn và củng cố công tác tổ chức của Thành ủy. Sau hội nghị này, ngày 3-3-1949, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 18/NQ/TU về việc tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ; đánh dấu mốc lịch sử về sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn - ban Xây dựng Đảng tham mưu cho Thành ủy và thực hiện các hoạt động về công tác chính trị tư tưởng - văn hóa, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
II
75 năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cùng với hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã không ngừng xây dựng và trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào thành quả vẻ vang của sự nghiệp cách mạng của Thủ đô và đất nước. Trong đó, ngay khi thành lập, nhiệm vụ tuyên truyền vận động, huấn luyện của các Ban Tuyên huấn đã bám sát theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 1-1949) về tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, tất cả để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức tuyên huấn của Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây từng bước trưởng thành và phát triển toàn diện. Với tinh thần cách mạng tiến công, đội ngũ cán bộ, đảng viên Ban Tuyên huấn đã vượt qua nhiều thiếu thốn, không quản ngại gian khổ, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với đường lối kháng chiến do Đảng lãnh đạo để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp sức người, sức của, vững tin vào đường lối kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi của Đảng.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản (thứ năm từ phải sang) cùng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các cá nhân có thành tích trong công tác tuyên giáo 2023
Cùng đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng vô cùng oanh liệt, tự hào, ngành Tuyên giáo Thủ đô bắt tay cùng Đảng bộ và nhân dân huy động sức người, sức của xây dựng lại đất nước. Dẫu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, thiếu thốn về kinh tế, phải đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, nhưng nhờ có những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng luôn xung kích đi đầu, mà cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn giữ vững lòng tin, sự đồng thuận, đoàn kết một lòng cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể vượt qua. Năm 1986, Đảng chủ trương đổi mới. Đến nay, qua gần 40 năm, Thủ đô và đất nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín mọi mặt. Làm nên thành tựu đó có vai trò không nhỏ của đội ngũ người làm công tác tuyên giáo Thủ đô. Đặc biệt, ngày 1-8-2008, Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc Lương Sơn, Hòa Bình; sự kiện kiến tạo chưa từng có đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là những băn khoăn lo lắng về tình trạng mất đoàn kết, nhưng với sự tham gia chủ động của ngành Tuyên giáo, đến nay sau hơn 15 năm, Hà Nội sau hợp nhất đã khẳng định hiệu quả. Bộ máy hệ thống chính trị Thủ đô sau hợp nhất đã khắc phục được những bất cập, thậm chí còn gương mẫu đi đầu trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại tổ chức bộ máy bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Năm 2023, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô tích cực đổi mới phương thức, tăng cường chuyển đổi số trong tham mưu, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của cấp ủy các cấp. Điển hình như tham mưu cấp ủy chỉ đạo học tập, quán triệt nghị quyết và triển khai công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng, như: Số hóa Bản tin nội bộ và tài liệu tại hội nghị (quét mã QR); xây dựng bản tin điện tử và trang bị Tủ sách Chi bộ điện tử... Ngành Tuyên giáo Thủ đô có nhiều đổi mới trong tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chủ động tham mưu và tăng cường triển khai các chương trình phối hợp, chú trọng sơ kết 3 năm triển khai Quyết định 238-QĐ/TW ngày 30-9-2020 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm... Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu xây dựng Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với quyết tâm tạo ra bước đột phá cho lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn này.
Nhìn lại lịch sử 75 năm qua có thể khẳng định, công tác tư tưởng - tuyên giáo luôn đi trước, đi trong và đi sau các công việc thường nhật cũng như trong các sự kiện quan trọng của Thủ đô; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, ban, ngành thành phố, tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những vấn đề phát sinh; không ngừng củng cố, làm sâu sắc thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu, xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Hà Nội có quy mô kinh tế khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt trên 410.000 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 150 triệu đồng/người/năm.
Với những thành tích xuất sắc trong suốt 75 năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng cho nhiều phần thưởng cao quý như: “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Ba” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
III
Năm 2024 được xác định là giai đoạn “tăng tốc” để bước vào năm 2025 - năm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025. Đây còn là năm quan trọng triển khai công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Năm nay cũng là năm tổ chức nhiều ngày lễ lớn, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung hoàn thiện 3 việc lớn là xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch tổng thể Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quyết tâm trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới. Thành phố cũng đang chuẩn bị để ngay khi được Quốc hội thông qua sẽ triển khai tổ chức thực hiện ngay...
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác báo chí thành phố Hà Nội năm 2024
Đó là chưa kể những nhiệm vụ thường xuyên mà Thủ đô phải thực hiện trong bối cảnh được dự báo còn rất khó khăn. Dự án quan trọng hàng đầu của Thành phố là Đường Vành đai 4 cũng bước vào năm có ý nghĩa rất quan trọng tập trung thi công sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể Thủ đô vẫn là tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị... Càng khó khăn hơn trong bối cảnh công nghệ phát triển, mạng xã hội ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội, khó kiểm soát, khó dự đoán hơn...
Trong bối cảnh như vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và ngành Tuyên giáo Thủ đô hết sức nặng nề với trách nhiệm “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, nhất là khi cả hệ thống chính trị thành phố đều xác định quyết tâm để “Năm 2024 phải hơn năm 2023” như nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng cùng thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô cần tiếp tục phát huy nội lực, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, chủ động đổi mới, chủ động tiến công, tích cực chuyển đổi số, nâng cao khả năng tích nghi, thích ứng để làm chủ trên các mặt trận, góp phần nâng cao những giá trị “chân, thiện, mỹ” cho người dân, tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bồi đắp niềm tin, làm sâu đậm thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.... Ban Tuyên giáo Thành ủy, ngành Tuyên giáo Thủ đô gương mẫu đi đầu trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức đặt ra, nhưng truyền thống lịch sử vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành sẽ luôn là điểm tựa vững chắc để ngành Tuyên giáo Thủ đô vượt qua, tiếp tục giành những thành tích mới đóng góp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự văn hiến, văn minh, hiện đại.
Phan Lâm - Linh Vũ