Sign In

Im lặng đáng sợ!

09:15 05/05/2023
“Sự im lặng là đáng sợ nhất. Trong mỗi gia đình hay cộng đồng dân cư cũng vậy!” - đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư khẳng định như vậy với lãnh đạo huyện ủy khi cán bộ cấp trên về làm việc.

Minh chứng cho điều đó, đồng chí bí thư chi bộ nêu lên nhiều ví dụ cụ thể về tình trạng người dân im lặng, lảng tránh, không quan tâm đến việc chung; rồi mạnh mẽ hiến kế: “Tôi nghĩ, nếu chúng ta chỉ tập trung vào phát hiện, ngăn chặn, xử lý “điểm nóng” mà bỏ quên “điểm lạnh” trong quần chúng thì quả là nguy hiểm. Đó là việc chúng ta không theo kịp sự vận động của thực tiễn trong điều kiện mới”.

Câu chuyện khiến một số người có mặt tỏ vẻ khó hiểu, nhưng đồng chí lãnh đạo huyện ủy thì rất tâm huyết, bày tỏ sự nhất trí rất cao. Anh thẳng thắn phân tích: “Đúng như phát biểu của đồng chí bí thư chi bộ, điểm nóng sẽ hình thành trên cơ sở điểm lạnh-tức là sự im lặng đáng sợ của quần chúng”. Có nghĩa là khi cán bộ các cấp thiếu trách nhiệm, thiếu gần gũi, sâu sát với cơ sở thì tất yếu quần chúng sẽ không có tình cảm, thiếu thiện chí, thậm chí là cố tình xa lánh cán bộ bằng cách im lặng khi được trò chuyện, hỏi thăm, xin ý kiến...

Ảnh minh họa: laodong.vn

Và một khi sự im lặng ấy không được giải tỏa kịp thời, tất yếu sẽ bùng phát, cấu thành “điểm nóng” trong cộng đồng xã hội. Nói cách khác, muốn nắm bắt tư tưởng quần chúng phải tìm mọi cách để quần chúng tin tưởng cán bộ; phải khơi gợi, tạo điều kiện để quần chúng nói ra những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng cá nhân và của cộng đồng. Bằng không, sự im lặng của người dân sẽ tạo nên bầu không khí u uất, hình thành tâm trạng xã hội tiêu cực, dễ nảy sinh nhiều vấn đề khó lường trước, khó nắm bắt, giải quyết.

Thực tế cho thấy, ở không ít địa phương vẫn diễn ra sự im lặng đáng sợ ấy. Đó là việc quần chúng mất niềm tin, thờ ơ với việc chung của đoàn thể và cộng đồng, không quan tâm đến những vấn đề thời sự chính trị-xã hội. Một số người dân có biểu hiện tự ti, cho rằng cán bộ thiếu quan tâm, thiếu tôn trọng, rồi sinh ra lãnh cảm, chẳng buồn chia sẻ, tham gia hoạt động chung. Thậm chí, nhiều người dân còn biểu hiện vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm trước thời cuộc; không ý thức đúng, đủ về trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc; dễ bị lôi kéo, kích động, nghe theo sự xúi giục của thế lực thù địch, chống phá.

Nơi nào để xảy ra sự im lặng một cách khác biệt, ở số đông quần chúng, có nghĩa là cấp ủy, chính quyền nơi ấy đã thật sự thất bại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Bởi lẽ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, một khi không quy tụ được lòng dân, không phát huy được sức dân thì ở đó tất yếu sẽ đi đến thất bại.

Để khắc phục sự im lặng đáng sợ ấy của quần chúng, cán bộ các cấp phải thường xuyên làm tốt công tác đối thoại với dân; tăng cường về cơ sở để nắm dân, sát dân, lắng nghe dân. Phong trào thi đua yêu nước ở các cấp rất cần tập trung vào huy động, khơi dậy nhiệt huyết cách mạng và tinh thần dấn thân của quần chúng; phải đặt người dân đúng vào vị trí vừa là chủ thể vừa là lực lượng to lớn của sự nghiệp cách mạng. Cùng với đó, người dân phải nhận thức đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm của mình; không để bị kẻ thù lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc; không được vô cảm, vô trách nhiệm trước việc chung của đất nước và cộng đồng xã hội.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử

Link:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/y-kien-tam-huyet-voi-dang/im-lang-dang-so-727019

Tag:

File đính kèm