Quang cảnh hội nghị giám sát
Với phương châm không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tổ chức thành công, hiệu quả các chuyên đề giám sát, chất vấn, đặc biệt là hoạt động giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu.
“Sự bài bản, khoa học, chất lượng và hiệu quả của các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực, hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các địa phương, trong đó có HĐND các cấp của thành phố Hà Nội” - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đối với hoạt động giám sát - là chức năng rất quan trọng trong hoạt động của HĐND các cấp, Thường trực HĐND thành phố đã thường xuyên nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham khảo cách làm sáng tạo của một số tỉnh, thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của thành phố.
Hoạt động giám sát của HĐND thành phố tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, nhân dân quan tâm. Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố.
Hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND thành phố ngày càng thực chất, rõ kết quả và gắn với các sản phẩm cụ thể. Các Phiên chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND thành phố diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả. Kết thúc các phiên chất vấn, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết chất vấn, điểm mới là kèm theo phụ lục các “cam kết”, “lời hứa”, lộ trình, thời gian hoàn thành, đồng thời định kỳ, thường xuyên theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc theo hạn định đã cam kết. Trường hợp cần thiết tiếp tục tái chất vấn, với quan điểm đi đến kết quả cuối cùng của nội dung được giám sát.
“Thực tiễn cho thấy nhiều vấn đề sau chất vấn, giải trình đã được UBND thành phố và các cơ quan nghiêm túc, tập trung khắc phục và có nhiều chuyển biến rất tích cực” - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tại hội nghị
Đối với các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, Thường trực HĐND thành phố luôn phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực, trách nhiệm. Nhiều nội dung quan trọng cũng đã được HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã cùng tổ chức giám sát như: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quy hoạch; phòng, chống dịch Covid-19... nhằm lan tỏa, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các cấp để các nội dung, lĩnh vực được Quốc hội giám sát xuyên suốt đến tận cơ sở và phát huy hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đây là nội dung quan trọng, trong đó quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND. Quy định cụ thể về các đối tượng có trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của HĐND là Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc có liên quan, để các nội dung chất vấn, nội dung giám sát được xem xét đồng bộ, thấu đáo và hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.
Thông tin tại hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội để tập trung hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ bảy. Dự thảo Luật cũng quy định 9 nhóm chính sách quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó có nội dung quy định về mô hình tổ chức Chính quyền đô thị của Thủ đô; cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp thành phố để HĐND các cấp thành phố có điều kiện thực hiện nhiệm vụ, trong đó hoạt động giám sát được tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn.
Bảo Vy - Thanh Thủy - Thành Nguyễn