Lực lượng trẻ trung và đầy nhiệt huyết
Thực tế thời gian qua có nhiều cách làm, kinh nghiệm về phát triển đảng viên trong học sinh của các địa phương, tổ chức Đảng, trường học. Song, một số ý kiến còn băn khoăn về độ tuổi, nêu khó khăn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể.
Lễ kết nạp đảng viên là học sinh tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiểu, quận Long Biên
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần thống nhất nhận thức, đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng hơn 93 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm phát triển đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục của Đảng.
Tới Đại hội XIII của Đảng, công tác phát triển đảng viên tiếp tục được quan tâm. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên; trong đó xác định phải quan tâm phát triển đảng viên trong công nhân, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước, nông dân, trí thức, thanh niên, sinh viên.
Chủ trương kết nạp đảng viên là học sinh đang được đẩy mạnh. Đối tượng kết nạp chủ yếu là học sinh lớp 12 ở độ tuổi 18 trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Các em đều phải có học lực từ khá trở lên; tích cực tham gia các hoạt động đoàn thanh niên; có phẩm chất chính trị vững vàng; có lý tưởng sống cao đẹp; được bồi dưỡng nhận thức về Đảng Cộng sản Việt Nam… Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, tổng số đảng viên được kết nạp là học sinh từ năm 2020 đến năm 2022 trên phạm vi toàn quốc là 5.042 đảng viên. Số lượng, cơ cấu đảng viên được kết nạp là học sinh có chuyển biến theo hướng tích cực.
Kết nạp đảng viên là học sinh là thực hiện đúng chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng đảng viên của Đảng trong giai đoạn mới. Đồng thời, việc sớm nhìn nhận, đánh giá và công nhận nỗ lực của các em sẽ tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ phấn đấu. Thanh niên là tương lai của nước nhà; cũng là độ tuổi sung sức nhất về thể chất, phát triển trí tuệ, nên càng cần được quan tâm và tạo điều kiện rèn luyện để trưởng thành. Trong lịch sử của Đảng ta, thế hệ cán bộ lãnh đạo cách mạng hầu hết đều sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng khi ở độ tuổi “mười tám, đôi mươi”. Nhờ được đưa vào tổ chức từ sớm để rèn luyện, phấn đấu, nhiều đồng chí đã nhanh chóng trưởng thành, được giao đảm đương những vị trí lãnh đạo quan trọng; tiêu biểu như các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ được phân công làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn trẻ.
Điều này càng cho thấy, việc quan tâm bồi dưỡng, kết nạp sớm những thanh niên ưu tú ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học phổ thông là rất cần thiết, phải được quan tâm tổ chức bài bản, khoa học và rộng khắp.
Cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất
Để làm tốt nhiệm vụ này, cần xác định đây là nhiệm vụ khó, phải huy động sự quan tâm và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trước hết là nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của cấp ủy Đảng. Người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, tổ chức Đảng trong nhà trường trung học phổ thông cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong học sinh; cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị; đưa ra chỉ tiêu, giao trách nhiệm cụ thể và có kiểm tra, đôn đốc thực hiện một cách tâm huyết, trách nhiệm.
Đảng bộ, chi bộ các nhà trường thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”; tiếp tục làm tốt chức năng “Dạy chữ, rèn người”. Cần phải tuyên truyền để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có sự phối hợp chặt chẽ trong bồi dưỡng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các học sinh ưu tú xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, phấn đấu, rèn luyện đáp ứng các tiêu chuẩn của người đảng viên. Đặc biệt là phải tổ chức tốt hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên trong nhà trường, qua đó tạo môi trường để bồi dưỡng nhận thức chính trị, đồng thời phát hiện những nhân tố mới để kịp thời theo dõi, bồi dưỡng, rèn luyện. Vừa qua, một số nhà trường ở Hà Nội thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong học sinh đều có các mô hình tuyên truyền, giáo dục truyền thống sáng tạo được tổ chức bài bản như mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam là ví dụ.
Để bảo đảm thực hiện công tác phát triển đảng viên trong học sinh một cách bài bản, chất lượng, hiệu quả cao, cấp ủy cấp tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về tiêu chí, lựa chọn giới thiệu; thống nhất trong tổ chức thẩm tra, xác minh hồ sơ kết nạp đảng viên phù hợp với điều kiện ưu tiên về việc dạy và học trong nhà trường.
Điều quan trọng hơn là sau khi kết nạp, tổ chức Đảng phải tiếp tục rèn giũa cho các em để thực sự xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần bổ sung nguồn nhân lực trẻ, trí thức cho Đảng.
Linh Vũ