Sign In

Xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội

06:49 23/03/2023
Chiều 23-3, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát về việc phối hợp tổng kết công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị

Tham gia Đoàn có đại diện lãnh đạo các vụ, viện thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dự và chủ trì tiếp Đoàn về phía Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Hà Minh Hải, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của thành phố.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn quan tâm chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ.

Đặc biệt ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội khóa XVII lần đầu tiên ban hành một chương trình riêng về khoa học và công nghệ là Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là một văn bản quan trọng, xác định định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển khoa học và công nghệ của thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025.

Về số lượng, giai đoạn 2015 - 2022, thành phố đã phê duyệt và triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố, trong đó có có 104 (chiếm 21,1%) nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh của Thủ đô Hà Nội. Đây là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Về cơ cấu nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gần 50% (51/104) các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nêu trên là các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực kinh tế; 14-18% các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến vấn đề văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ nói chung và nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu. Việc gắn kết giữa khoa học lý luận chính trị, xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ để phục vụ phát triển nhanh và bền vững Thủ đô còn hạn chế.

Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và làm rõ những kết quả, hạn chế trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Hà Nội thời gian qua. Để tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội thời gian tới, các đại biểu nhất trí với 6 nhóm giải pháp cần thực hiện đồng bộ như: Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành phố chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên 1,0% GRDP Thủ đô.

Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị

Nêu những khó khăn mà thành phố Hà Nội gặp phải trong quá trình phát triển hiện nay, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, thành phố luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực phát triển. Trên cơ sở thực tiễn của thành phố, đồng chí Nguyễn Doãn Toản chia sẻ những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm về cách làm hay trong ứng dụng khoa học công nghệ; đồng thời đưa ra các kiến nghị cụ thể về các cơ chế chính sách để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua đoàn đã tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương để xem hiệu quả của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả ra sao. Trong đó, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng này, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập từ thực tiễn.

Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ sự nhất trí với các kiến nghị của thành phố Hà Nội về việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn.

Anh Văn - Đình Hiệp

Tag:

File đính kèm