Sign In

Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023)Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

15:00 09/06/2023

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: hochiminh.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề thi đua yêu nước được Người đặc biệt quan tâm.

Năm 1998, trong diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định: “Lý luận và những bài học thực tiễn từ tổ chức vận động thi đua là mảng sáng chói trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân ta”.

Ngày trước Marx, Engels và Lenin đều coi thi đua là một tất yếu khách quan, được nảy sinh từ chính cuộc sống của con người. Con người sống trong xã hội luôn có quan hệ tiếp xúc với nhau, do đó tất yếu nảy sinh thi đua. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh sẽ không còn, thay vào đó là sự thi đua giữa những người lao động trong quá trình sản xuất. Sau ngày cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, Lenin nói: “Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa cầm quyền, là phải tổ chức thi đua” (1).

Có thể nói, Hồ Chí Minh trong nhiều năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, Người đã thi đua với chính mình, vượt lên chính mình, quyết tâm tìm ra con cứu nước. Khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám. Người đã liên tục phát động nhiều phong trào có tính chất thi đua, động viên đông đảo nhân dân hưởng ứng, đạt hiệu quả cao. Có thể kể: Chiến dịch tăng gia sản xuất, Chiến dịch chống nạn mù chữ, Tuần lễ vàng, Phong trào Nam tiến, Phong trào thực hiện đời sống mới…

Ngày 11/6/1948, nhân dịp Kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người tin tưởng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(2).

Các bậc cách mạng tiền bối mới chỉ đề cập thi đua trên lĩnh vực sản xuất vật chất khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền. Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển sáng tạo bằng nhiều quan niệm, luận điểm mới mẻ được khái quát trong khái niệm thi đua yêu nước (thi đua ái quốc). Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh bắt đầu từ quan điểm của chủ nghĩa Marx - Lenin về vai trò của quần chúng trong lịch sử, đồng thời, bắt nguồn từ truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc và hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn của Người.

Người giải thích: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”(3). Người xác định cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua yêu nước phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. “Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”(4). Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước với thi đua luôn là hai thành tố thống nhất chặt chẽ. Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu lên và gắn kết yêu nước với thi đua, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai thành tố này. Thi đua là động lực phát huy lòng yêu nước và tinh thần yêu nước. Thi đua còn có tác dụng cải tạo con người, giúp loại trừ những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ và thói xấu như Người nói: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ”(5). Thi đua cũng là biện pháp tích lũy và truyền đạt kinh nghiệm mọi mặt để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả chiến đấu, phục vụ đời sống.

Nói chuyện tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952, Người nhấn mạnh “sự sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi… sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào biển cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”(6).

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong phú và sâu sắc. Căn cứ lời phát biểu tại các đại hội, hội nghị và trên 50 bài báo của Người về thi đua yêu nước, có thể rút ra những nội dung chủ yếu sau:

- Công việc hàng ngày là nền tảng thi đua, mọi việc đều thi đua, mọi người đều thi đua.

- Thi đua không phải chỉ trong một giai đoạn nhất thời mà phải thường xuyên, liên tục, bền bỉ và rộng khắp.

- Thi đua cải thiện đời sống, tạo hạnh phúc cho dân.

- Thi đua xây dựng con người.

- Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới; nền tảng của thi đua yêu nước.

- Thi đua phải có mục đích, phải có kế hoạch tỉ mỉ.

- Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng.

Ngoài ra, Người còn nói: “Thi đua là đoàn kết, thi đua là tinh thần quốc tế, thi đua là góp phần gìn giữ hòa bình và dân chủ thế giới…”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến vấn đề khen thưởng. Người ví thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch; thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, khen thưởng là kết quả của công tác thi đua. Khen thưởng kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời, cổ vũ phong trào thi đua phát triển lên tầm cao mới. Có điều thành tích phải chính xác, phải xét cả ưu điểm và khuyết điểm, phải thẩm tra cẩn thận, không đại khái, quan liêu. Khen thưởng không kịp thời, khen thường không chính xác sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Người căn dặn: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi nhưng ít nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi cũng có”(7). Người khuyến khích báo chí đi trước trong việc biểu dương người tốt, việc tốt và Người dựa vào đó tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cho người tốt, việc tốt.

75 năm, từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, phong trào thi đua đã phát triển rộng khắp đất nước ta, tạo nên sức mạnh tinh thần lẫn vật chất to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Mình về thi đua yêu nước hẳn là vô cùng cần thiết. Làm tốt, sẽ huy động được trí tuệ, công sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trương Nguyên Tuệ

(1). Lenin toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 35, tr. 234

(2). Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 5, tr. 445 gia,

(3), (4), (5), (6). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd tr. 473, tr. 270, tr. 471.

(7). Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 12, tr.549.

Tag:

File đính kèm