Các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, thành viên Ban Chỉ huy các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè ghi lại khoảnh khắc gặp gỡ (Thanhuytphcm.vn) – Sáng 6/9, hơn 200 chiến sĩ tình nguyện tiêu biểu đại diện cho hơn 5 triệu chiến sĩ tình nguyện đã trực tiếp tham gia thực hiện các công trình, phần việc đạt kết quả cao trong các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên thành phố và 35 gia đình nuôi, trưởng bản tiêu biểu, những người đã trực tiếp gắn bó, chăm lo cho các thế hệ chiến sĩ tình nguyện của thành phố đã cùng tham dự Chương trình gặp gỡ và biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi tiêu biểu, nhân kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên Thành phố (1994 - 2023) do Thành Đoàn TPHCM tổ chức. Nhiều câu chuyện ý nghĩa, những kỷ niệm đẹp đã được những chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi tiêu biểu chia sẻ tại chương trình.
Dấn thân tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng
Bồi hồi nhắc nhớ về quãng thời gian đầu chiến dịch, đồng chí Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Bí thư Thành đoàn, nguyên Chỉ huy trưởng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994 nhớ lại khí thế tình nguyện sôi nổi của 710 sinh viên đến từ 10 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tình nguyện thực hiện công tác xóa mù chữ tại địa bàn các xã thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM. Đồng chí Nguyễn Hoàng Năng cho biết lúc đó, nguồn kinh phí của chương trình rất hạn hẹp. Dù hoàn cảnh khá khó khăn, chỉ có bó rau, quả trứng, nhưng các gia đình nuôi quân vẫn để dành cho sinh viên tình nguyện. Đây là những tình cảm hết sức trân quý và càng thôi thúc các bạn sinh viên tình nguyện cống hiến hơn nữa sức trẻ trong công cuộc xóa mù chữ cho người dân mà thành phố lúc đó cũng đang phát động.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Năng cho rằng, các phong trào và các chiến dịch tình nguyện của Đoàn chỉ thành công khi Đoàn phát triển đúng nhu cầu của xã hội; tổ chức Đoàn các cấp phải phát huy tính năng động và ước mơ cống hiến của từng đoàn viên và “hứng” năng lượng tích cực đó vào hoạt động có ích cho cuộc sống… Ngoài ra, tổ chức Đoàn cần khai thác được tiềm lực của xã hội và nhân dân, tạo môi trường, điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh niên phát triển, trưởng thành.
Đồng chí Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, năm 1992, trường đã xuất quân, đưa sinh viên đi xây dựng nhà tình thương, tham gia sửa chữa điện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, tình nguyện xóa mù chữ. Những địa phương, địa bàn mà chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh của Trường Đại học Bách khoa đi qua đều có những đặc điểm khó khăn riêng. “Chúng tôi đã vận động nguồn lực xã hội hóa từ nhiều nơi, đặc biệt là các đơn vị có cựu sinh viên trường đang công tác. Cùng với đó là công tác vận động bà con nhân dân cùng chung tay thực hiện công trình với sinh viên. Với phương thức triển khai chiến dịch như vậy, các thế hệ chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Bách khoa đã trải qua một “học kỳ hè” thật sự ý nghĩa, thiết thực, đúng với phương châm “Ở dân thương - Làm dân tin - Đi dân nhớ”” - đồng chí Võ Tấn Thông chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Năng chia sẻ kỷ niệm những ngày hoạt động tình nguyện Còn đồng chí Bùi Thị Thúy Bắc - hiện là giảng viên chuyên trách của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cựu chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định những ngày hoạt động Đoàn, được đi tình nguyện là một quãng thanh xuân tươi đẹp, rực cháy của tuổi trẻ. Qua chương trình tình nguyện đã giúp bản thân trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.
Trưởng thành hơn từ phong trào tình nguyện
Chia sẻ tại chương trình, Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nguyên Bí thư Đoàn Trường Đại học Y dược TPHCM bộc bạch: “Những ngày tình nguyện ấy, đã khắc mãi trong tôi suốt hành trình hoạt động và làm việc của mình. Từ một sinh viên y khoa tham gia ngay từ những ngày đầu chiến dịch, tôi và các bạn đồng môn cùng tham gia với kiến thức đã được trang bị trên ghế nhà trường, khi tham gia chiến dịch như một bước ngoặc mới về định hướng chuyên môn, đem hai chữ “y khoa” được học để phục vụ cộng đồng, một vinh dự thật lớn trong quãng đời sinh viên trên giảng đường đại học. Bản thân là một sinh viên học ngành y khoa, một định hướng rất rõ ngay từ những ngày đầu tham gia chiến dịch tình nguyện là đến vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân, trong quá trình công tác, tôi đã nhận thấy công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế từ cơ sở vật chất đến chuyên môn, có người rất lâu chưa được thăm khám về sức khỏe. Sức trẻ luôn thôi thúc, nung nấu ý tưởng phục vụ cộng đồng làm sao mang chuyên môn đến gần hơn nữa với người dân”.
“Giờ đây khi đang công tác ở một vị trí khác, dù công việc có bề bộn, khó khăn hơn nhiều nhưng nhiệt huyết tình nguyện vì cộng đồng vẫn cháy mãi trong tôi. Tôi luôn coi đó như một phương châm để hành động, định hình để phát triển, tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết đó cho tập thể cán bộ, nhân viên hiện tại phải luôn duy trì chăm lo sức khỏe cộng đồng vì người dân mình còn nhiều khó khăn, hành động đó như một lời nhắn nhủ chân tình cho tất cả thế hệ mai sau tiếp nối nhiệt huyết tình nguyện vì cộng đồng, vì “cho đi là còn mãi”” - Bác sĩ Trần Văn Khanh cho hay.
Đồng chí Mai Hải Yến chia sẻ tại chương trình Còn với đồng chí Mai Hải Yến, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TPHCM, Công dân trẻ TPHCM, nguyên Bí thư Đoàn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, là đảng viên được kết nạp trong chiến dịch tình nguyện khi là học sinh THPT, chia sẻ, bản thân đã say mê tham gia các hoạt động, chương trình của tổ chức Đội từ những năm học tiểu học. Lớn lên, tiếp tục tham gia vào các hoạt động gắn với những chiến dịch tình nguyện của tổ chức Đoàn – Hội – Đội như Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh... Chính các hoạt động tình nguyện đã giúp đồng chí được rèn luyện, trưởng thành cả về nhận thức lẫn hành động. Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay khi còn là học sinh THPT. “Những hoạt động tình nguyện không chỉ cho tôi cơ hội được làm những điều có ích, để lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, mà còn giúp tôi thêm hiểu, thêm tin yêu vào tổ chức và vào chính con đường mà mình đã chọn. Đó cũng chính là động lực để giúp tôi càng ngày càng nỗ lực cố gắng hơn nữa” - đồng chí Mai Hải Yến chia sẻ.
Những phong trào nổi bật, ghi đậm dấu ấn
Qua 30 năm, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những phong trào nổi bật, ghi đậm dấu ấn không chỉ tại TPHCM mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành, cả nước và quốc tế, thể hiện sức sống mạnh mẽ, mang lại hiệu quả xã hội to lớn, đầy ý nghĩa. Có 31.000 công trình thanh niên được thực hiện; xây nhà, sửa chữa 7.720 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà tình bạn; bê tông hóa, nâng cấp, sửa chữa 870 km đường nông thôn; xây dựng, sửa chữa 500 cầu nông thôn; lắp đặt hệ thống chiếu sáng 270 tuyến đường nông thôn, tuyến hẻm với tổng chiều dài 200 km; tổ chức 1.230 lần cải thiện môi trường tuyến kênh, rạch (2006 - 2023), trồng 650.000 cây xanh; tặng quà, chăm lo 540.000 cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; khám và tư vấn sức khỏe 1,2 triệu lượt người dân trong và ngoài thành phố; tham gia hiếu máu tình nguyện với 160.000 đơn vị máu đóng góp; tổ chức 10.000 lần tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính cho 540.000 người dân; tổ chức 19.000 hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho 70.000 người dân; tổ chức 91.000 lần thăm, tặng quà các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức ôn tập hè với 740.000 thiếu nhi tham gia; trao tặng 524.000 học bổng cho thiếu nhi; có 2,7 triệu lượt thí sinh được tư vấn hỗ trợ trong chương trình Tiếp sức mùa thi.
Hiệu quả lớn nhất từ kết quả 30 năm triển khai các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè là con người, cụ thể: Có 222.000 thanh niên, sinh viên trở thành hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam trong các chiến dịch tình nguyện hè; có 96.000 thanh niên tiên tiến trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các chiến dịch tình nguyện hè; có 6.000 đoàn viên viên ưu tú, chiến sĩ tình nguyện trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong các chiến dịch tình nguyện hè; nhiều bạn chiến sĩ sau khi tham gia hoạt động đã trở thành thủ lĩnh của phong trào, từ người tham gia trở thành người tổ chức hoạt động tình nguyện, điều đó góp phần củng cố sự chặt chẽ và lớn mạnh của tổ chức Đoàn - Hội. .