Xúc động từ chuyến hành trình
Núi rừng miền Tây Bắc của Tổ quốc mùa cuối năm bước vào những ngày se se lạnh… Bức tranh núi rừng yên ả, bình dị, thời tiết dịu mát, nhưng với các thành viên những nơi đi qua sau các chuyến đi dài ngày qua nhiều tỉnh, thành khác nhau đã để lại những tình cảm ấm áp, xúc động. Đó là mỗi điểm đến tham quan là bài học về lòng yêu nước, trí quả cảm của ông cha ta trong đấu tranh giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, qua đó giúp cho đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo, báo chí có dịp tiếp cận, tìm hiểu thêm nhiều di tích lịch sử, ôn lại truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước.
Đoàn cũng đã tham gia các hoạt động trao đổi, giao lưu với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Đặc biệt, đoàn đã phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên mang nhiều phần quà ý nghĩa, đầy tính nhân văn trao tặng trẻ em vùng biên giới xã Mường Lói, tỉnh Điện Biên. Đây là xã biên giới vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh, chỉ có 2 trong số 8 bản của tỉnh là có điện, sóng điện thoại.
Thành viên đoàn hành trình về nguồn “Qua miền Tây Bắc” thắp hương mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ Tại đây, đoàn hành trình về nguồn đã trao nhiều phần quà gồm tập vở, áo ấm cho 60 em học sinh, trao tiền hỗ trợ cho gia đình chính sách, gia đình có trường hợp khó khăn với tổng trị giá 160 triệu đồng tiền mặt và hiện vật. Ngoài ra, Báo Người Lao động cũng trao tặng 300 lá cờ Tổ quốc cho Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc, 60 phần quà gồm tập vở cho các em học sinh, 10 phần quà cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Giao lưu cùng với trẻ em, học sinh vùng biên giới xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên Thầy Lò Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú xã Mường Lói chia sẻ, đường đi học quá xa là một trở ngại của các em học sinh, vì vậy thầy cô ở trường luôn khuyến khích, động viên các em đến lớp để học chữ. “Có em phải đi bộ đến 42 cây số mới đến lớp được, nhiều em phải ở lại trường cả tháng mới về nhà một lần” - thầy Sơn cho biết thêm.
Về với Tây Bắc là về với cội nguồn yêu thương, nghĩa tình; về với Tây Bắc qua đó thấy được những khó khăn, thiếu thốn, thấy được cuộc sống của người dân vùng biên ải, nơi khẳng định cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, dân tộc… Nhiều thành viên trong đoàn đã chia sẻ và không khỏi xúc động khi thấy bà con dân tộc còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn, cần thêm những tấm lòng, tình cảm lớn lao, giang tay giúp đỡ, hỗ trợ. Và qua đó, cũng nhằm phát huy tinh thần xung kích của đội ngũ những người làm báo, góp phần xây dựng cuộc sống cộng đồng vùng biên cương của Tổ quốc.
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp
“Qua miền Tây Bắc” - chuyến đi đã tạo điều kiện cho đội ngũ làm công tác Tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên, những người làm báo, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết, từ đó tạo sự gắn kết, phối hợp tốt hơn trong công việc.
Đoàn hành trình về nguồn “Qua miền Tây Bắc” chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Em Nguyễn Trần Phương Vy, phóng viên Ấn phẩm Khăng Quàng đỏ (Báo Tuổi trẻ), thành viên trẻ tuổi nhất đoàn, cho biết, lần đầu được tham gia chuyến hành trình, biết thêm nhiều “địa chỉ đỏ” nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta như: Trung đoàn 52 Tây Tiến; Nhà tù Sơn La; Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, Đồi A1 và hoạt động dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Vua Hùng, qua đó tìm hiểu, ghi nhận thêm nhiều kiến thức bổ ích về truyền thống đấu tranh của cha ông, của dân tộc.
“Em rất ấn tượng về tinh thần chiến đấu của các bác, các chú, trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, đã vượt lên tất cả để chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc. Bản thân em tự nhủ phải thường xuyên học tập, phát huy sức trẻ, vượt khó, tích lũy thêm kinh nghiệm, không ngừng nỗ lực để có nhiều bài viết tốt, tích cực, có hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội” - Nguyễn Trần Phương Vy chia sẻ.
Không riêng gì Phương Vy, nhiều thành viên khác trong đoàn cũng chung niềm cảm xúc, tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc. Điều này giúp cho đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo, báo chí nâng cao nhận thức, tư tưởng; rèn cho “bút sắc, lòng trong”, góp phần hoàn thiện cho công tác tham mưu cho ngành, có những sản phẩm báo chí tích cực, góp phần đẩy lùi thông tin tiêu cực, tin giả trên các nền tảng mạng xã hội.
Ghi nhận về chuyến hành trình, anh Cao Minh Quang (biên tập viên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn), bộc bạch: “Ngoài việc giáo dục truyền thống cách mạng, chuyến đi giúp tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các bậc đàn anh trong nghề báo với bút lực sắc bén, tư duy nhanh nhạy, có chiều sâu, góp phần bổ sung kiến thức mà bản thân chưa tiếp cận để phục vụ cho công việc, tập thể, đóng góp phần nhỏ bé vào sự thành công của báo chí thành phố”.
Hành trình “Qua miền Tây Bắc” cũng là cơ hội giúp đội ngũ những người làm báo ý thức hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng, qua đó không ngừng rèn luyện để có được những tác phẩm báo chí tốt, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.
Có lẽ, sau chuyến đi các thành viên trong đoàn sẽ có thêm những nguồn tư liệu sống động, thực tế, có thêm những trải nghiệm về sự dấn thân, nhiều xúc cảm vô cùng quý giá phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, có thể khẳng định rằng qua chuyến hành trình cũng đã tiếp thêm năng lượng tích cực, động viên, giúp bà con các địa phương tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.