UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW
Trao “cần câu” giúp người dân vươn lên
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư,An Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn vốn tín dụng CSXH được triển khai đến các xã, phường, thị trấn. Các cấp, ngành kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị 40-CT/TW đến cán bộ chủ chốt, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tín dụng chính sách trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản để lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ và Nhân dân.
“Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách ngày càng phong phú, chất lượng và hiệu quả hoạt động được bảo đảm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đánh giá.
Tín dụng CSXH trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi, đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó, giai đoạn 2014 - 2024, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. |
Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác để cho vay và huy động vốn của xã hội đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Đến nay, tỉnh An Giang đã triển khai và đang quản lý 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng doanh số cho vay giai đoạn 2014 - 2024 đạt trên 12.500 tỷ đồng, với trên 709.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% khóm, ấp trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã xây dựng nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng.
Anh Thái Xuân Hoàng (36 tuổi, ngụ ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trước đây, thu nhập gia đình chỉ nhờ vào mấy công đất trồng lúa, nhưng gặp tình trạng “được mùa, mất giá” và ngược lại. Khi UBND huyện Châu Phú có chủ trương trồng nhãn xuồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi mạnh dạn tham gia”.
Được chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật và vốn vay ưu đãi thông qua việc ủy thác nguồn vốn ngân sách sang Ngân hàng CSXH cho vay 38 triệu đồng. Với số vốn này, anh Hoàng cải tạo đất làm vườn, mua giống, phân bón… cùng sự hỗ trợ kỹ thuật trồng nhãn xuồng từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú và học hỏi kinh nghiệm của những nông dân trồng nhãn hiệu quả cao, anh Hoàng trồng được 5.000m2 nhãn xuồng.
“Nhờ áp dụng kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm hay, hiệu quả và quyết tâm của bản thân, đến tháng 6/2023, vườn nhãn của gia đình đạt năng suất cao, thu hoạch 3.500kg/năm, thu về khoản tiền trên 122 triệu đồng. Nguồn vốn vay 3 năm đầu được Nhà nước hỗ trợ lãi, 2 năm còn lại đóng lãi với mức lãi suất 4,8%/năm.
Nhờ đó, sau khi trừ các chi phí, tôi lời 30 triệu đồng, giúp gia đình có thu nhập ổn định. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, nhất là UBND huyện Châu Phú và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giúp tôi cùng nhiều nông dân khác có nguồn vốn đầu tư sản xuất, thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu và có cuộc sống sung túc như hôm nay” - anh Thái Xuân Hoàng bày tỏ.
10 năm qua, trên địa bàn tỉnh, tín dụng chính sách đã giúp trên 165.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 86.000 lao động có việc làm ổn định trong và ngoài nước; hơn 79.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng trên 44.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội và trên 250.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư.
Các cấp, ngành vào cuộc tích cực
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan chia sẻ, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, thời gian qua, đơn vị phối hợp tốt với các sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, là kênh cung cấp tín dụng ưu đãi quan trọng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh An Giang đã giải ngân kịp thời đến các hộ có nhu cầu vay vốn, giải quyết nhu cầu cấp thiết về vốn của những đối tượng theo quy định.
“6 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay từ Ngân hàng CSXH ở An Giang đạt 908,5 tỷ đồng, với 19.547 lượt khách hàng vay vốn; so cùng kỳ năm 2023, doanh số cho vay tăng 293,3 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ đạt 616,7 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2023 doanh số thu tăng 262 tỷ đồng. Chi nhánh đang thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 5.281,8 tỷ đồng, tăng 291,8 tỷ đồng so năm 2023, với 150.710 khách hàng còn dư nợ” - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan thông tin.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chợ Mới Trần Thị Ngọc Hà cho biết: “Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của tổ chức hội, đoàn thể trong việc tham gia thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, những năm qua, hội xem hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH là hoạt động quan trọng.
Nhờ triển khai, quản lý chặt chẽ nên số lượt hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn càng nhiều. Nâng tổng dư nợ Ngân hàng CSXH từ hơn 73 tỷ đồng (năm 2014) tăng lên trên 104 tỷ đồng, với 4.685 hộ vay (ngày 30/4/2024), tăng gấp 1,4 lần. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần từ 0,41% (năm 2014) xuống 0,37% (tháng 4/2024). Nhiều năm liên tục, một số xã trong huyện không có nợ quá hạn”.
“Bên cạnh nâng cao chất lượng tín dụng, việc thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn được các cấp hội quan tâm. Hoạt động ủy thác cho vay của các cấp hội trong 10 năm qua đã góp phần duy trì và phát triển hiệu quả 20 loại mô hình kinh tế trên các lĩnh vực do tổ chức hội xây dựng.
Qua đó, giúp 7.366 lượt hộ gia đình có phụ nữ nghèo, trong đó có 959 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 2,2% (năm 2014) xuống còn 1,44% (năm 2024)” - Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Mới Trần Thị Ngọc Hà thông tin.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Châu Văn Ly, những năm qua, đơn vị phối hợp Ngân hàng CSXH tỉnh, UBND cấp huyện thường xuyên, chủ động xác định đối tượng, thực hiện chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm, người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp nhu cầu và thực tiễn.
Đồng thời, phối hợp lập hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về việc ủy thác nguồn vốn ngân sách tỉnh qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho rằng, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giúp người dân, người lao động ở địa phương tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh (SXKD), tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Việc triển khai nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH đã phát huy tác dụng, nhiều mô hình SXKD phù hợp điều kiện KTXH địa phương, mang hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Đảm bảo đúng đối tượng
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành tiếp tục lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.
“Hàng năm, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH theo mục tiêu Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 05/QĐ-TTg, ngày 4/1/2023” - đồng chí Lê Văn Nưng yêu cầu.
Cùng với đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay thực hiện các chương trình tín dụng CSXH. Kịp thời quan tâm chỉ đạo hỗ trợ cho hoạt động của Ngân hàng CSXH; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng CSXH bảo đảm nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng phát huy đúng mục đích, hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và bảo đảm an ninh, an toàn ở các điểm giao dịch Ngân hàng CSXH cấp xã.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; thực hiện tốt các chương trình tín dụng CSXH nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ SXKD, tạo sinh kế, việc làm và nâng cao đời sống cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH. Phối hợp chặt chẽ Ngân hàng CSXH và các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, bảo đảm cho vay chính sách đúng đối tượng, chú trọng hướng dẫn người nghèo, đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các mô hình SXKD tiêu biểu sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả và các mô hình giúp nhau vượt khó, làm giàu, góp phần đẩy nhanh các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH vào cuộc sống.
Theo đó, các sở, ban, ngành tỉnh tăng cường phối hợp Ngân hàng CSXH và các địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm. Kịp thời tham mưu rà soát, thống kê, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được tiếp cận vốn vay kịp thời.
Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp thực tiễn Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với CSXH, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong suốt quá trình phát triển; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau. |
THU THẢO - HẠNH CHÂU