(TUAG)- Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi vĩ đại. Trước nhất là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc! Nhưng do đứng trên lập trường chống phá, các thế lực thù địch vẫn không ngừng công kích về ý nghĩa, tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám.
Một trong những điều ngụy tạo của bọn họ là luận điệu: "Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cú ăn may lịch sử" do "sự vắng mặt của người Pháp và quân đồng minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị…" tạo ra "khoảng trống quyền lực" và "Đảng Cộng sản Việt Nam đã hứng được quả ngọt trời cho… để cướp chính quyền cho riêng mình". Cùng với đó là những điều dối trá khác. J.Duiker- nhà nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ đã có cái nhìn tương đối khách quan, ông khẳng định: "Cần phải nhớ rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành tựu vĩ đại như vậy là thắng lợi của những người cộng sản và có sự đóng góp ở mức độ không nhỏ của những hoàn cảnh ngẫu nhiên…".
Nhưng nếu có cái gọi là "khoảng trống quyền lực" như bọn họ cả quyết thì "cái đó" phải là "cái tình hình chung" của các nước trong khu vực. Vậy tại sao nhiều nước khác trong khu vực không giành được độc lập, "không may mắn được trời cho quả ngọt"?!!!
Sự thật không phải như họ nói. Sự thật là trên toàn lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ không hề tồn tại một khoảng trống quyền lực nào cả. Sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, ở Đông Dương, quân đội Nhật có quân số lên đến trên 90.000 người, được trang bị đầy đủ, và cần phải nhớ rằng đây là đội quân chưa từng thua trận nào trong toàn bộ cuộc chiến. Tuy có bị khủng hoảng tinh thần, nhưng vẫn là đội quân có tinh thần kỷ luật cao và hơn nữa quân Nhật không có lý do gì tự mình bỏ quyền lực thống trị. Chủ thể quyền lực thứ hai đang tồn tại ở Việt Nam là hệ thống chính quyền của nội các Trần Trọng Kim. Đây là thứ chính quyền tay sai, đang rệu rã sau khi Nhật đầu hàng. Tuy vậy, nó vẫn không tự rời bỏ vị trí của mình. Cần nói thêm là không chỉ có lực lượng của Việt Minh mà còn có một số lực lượng khác cũng ra sức tranh thủ thời cơ giành chính quyền, trong đó có cả những lực lượng thân Nhật, như Phục Quốc, Đại Việt Quốc gia liên minh, một số giáo phái vv… Nhà sử học Pháp Alain Ruscio cũng khẳng định: "Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lô-gíc trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình".
Lịch sử bao giờ cũng tường minh: Tình thế bao giờ cũng chỉ là tình thế, thời cơ vẫn chỉ là thời cơ. Cơ hội đến mà không biết tận dụng thì cũng không thể giành được thắng lợi. Riêng Đảng ta, ngay từ khi bước lên vũ đài chính trị, Đảng đã nhận định: "Nếu chủ nghĩa đế quốc tuyên bố chiến tranh, phải đứng lên làm cách mạng, phải biến chiến tranh đế quốc thành chiến tranh giải phóng". Năm 1940, lúc ưu thế vẫn đang nghiêng về chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ II. Nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ đã dự báo: "Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương không chóng thì chầy sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập".
Khi tình thế cách mạng sắp xuất hiện. Người khẳng định: "Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận tiện cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với Cách mạng". Năm 1941, sau khi về nước, Bác đã cùng với Trung ương hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc; chuẩn các điều kiện cần thiết cho Tổng khởi nghĩa trên tinh thần: "Thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó". Từ cuối năm 1941 đến năm 1942, Đảng ta đã ra sức xây dựng các tổ chức Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc,... Riêng tại căn cứ địa Việt Bắc, Đội Cứu quốc quân và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lần lượt ra đời. Các đoàn thể cứu quốc đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh và các lực lượng vũ trang là chủ lực quân của cách mạng. Năm 1943, trước diễn biến mới của tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 09/3/1945, phát-xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp ở Việt Nam. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ngày 12/3/1945 ra Chỉ thị lịch sử: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Hội nghị quyết định phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và quyết định thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi phát-xít Nhật - Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát-xít Nhật". Ngay sau quân Nhật đầu hàng, Bác Hồ đã chỉ đạo: "Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội". Ngày 16/8/1945, "Quốc dân Đại hội Tân Trào", Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…". Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng giành thắng lợi trên cả nước. Nhà sử học nổi tiếng người Pháp Charles Fournieau cho rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc… Không những vậy, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới. Đối với phong trào cách mạng Đông Dương cũng như thế giới, Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.
Cách mạng Tháng Tám thành công là kết tinh của nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, xác định đúng thời cơ và chớp thời cơ. Bài học kinh nghiệm về tạo dựng, nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi có ý nghĩa cô cùng trọng đại./.
Trung Thành