(TUAG)- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải
đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(1). Quán triệt Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Đảng bộ An Giang luôn chú trọng
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tạo ra những chuyển biến tích cực trong
các mặt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, góp phần xây
dựng Đảng bộ An Giang ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII)
Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -
2025 xác định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
chính trị, tư tưởng”; “Làm tốt công tác giáo dục chính trị, học tập nghị quyết,
thường xuyên bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên”(2).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác
xây dựng Đảng về chính trị được Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng. Cấp ủy các cấp
trong tỉnh luôn tập trung nâng cao hiệu quả công tác triển khai, quán triệt
theo hướng chu đáo, chặt chẽ; hình thức được đổi mới, phù hợp với đặc điểm tình
hình của địa phương, cơ sở. Tùy nội dung, thành phần mà vận dụng hình thức trực
tuyến hay trực tiếp cho phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo nghiêm túc, chất lượng(3).
Việc quán triệt luôn được triển khai đồng bộ với việc cụ thể hóa; xây dựng kế
hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng sát hợp với
tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị - xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm
đưa Nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Bên cạnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương
pháp công tác giáo dục lý luận chính trị và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh; các cấp ủy thường xuyên quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị,
cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; góp phần từng bước gắn lý luận với
thực tiễn; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương(4); khắc phục tình trạng lười
học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên. Thông qua công tác
nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng; qua công tác giáo dục lịch sử truyền thống,
đặc biệt là qua các hội thảo khoa học(5)… đã góp phần thiết thực
giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về truyền
thống lịch sử, văn hóa, về vùng đất, con người An Giang; bồi đắp thêm lòng tự
hào dân tộc, truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước.
Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm
kỳ 2020 - 2025 xác định: “Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến
đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong
nội bộ, sự đồng thuận trong xã hội”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch
COVID-19 và những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế
giới; khiến cho công tác tư tưởng trong nước, trong tỉnh luôn phải đối mặt với
không ít những khó khăn, thách thức. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục
được các cấp uỷ tăng cường đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức theo hướng
chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo
dục, sức thuyết phục trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác tư tưởng luôn đồng hành đóng góp
tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và vào sự phát
triển của địa phương. Bên cạnh gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác tư tưởng luôn có mặt kịp thời,
đúng lúc ở những thời điểm quan trọng, như: Trong giai đoạn phòng, chống dịch
COVID-19; phục hồi phát triển kinh tế; triển khai các công trình, dự án lớn; và
trước những vụ việc nổi cộm phát sinh… Với sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của
các ngành, các cấp, công tác tuyên truyền bằng nhiều phương thức khác nhau, bên
cạnh tạo nên những dấu ấn nổi bật(6); đồng thời, cũng góp phần quan
trọng nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ, đảng viên
và Nhân dân; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch(7), giữ vững trận địa tư tưởng trên
địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thông qua thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy(8),
công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội tiếp tục được đổi mới cả về nội
dung và hình thức theo hướng ngày càng đi vào thực chất, bám sát thực tiễn đời
sống xã hội; kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh với sự
vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở tăng cường
phối hợp giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở(9), đã góp phần kịp
thời phát hiện và giải quyết tốt, ngay từ đầu những vấn đề phức tạp, không để
phát sinh thành điểm nóng.
Hội nghị thông tin thời sự cho cán bộ chủ chốt
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ “đi trước mở đường, đi cùng thực
hiện”; công tác tư tưởng trên địa bàn tỉnh còn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ
“đi sau tổng kết”. Qua đó, công tác sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch,
chương trình hành động… ngày càng được các cấp ủy chú trọng theo hướng chủ động,
kịp thời, chất lượng, hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu. Thông qua tổng kết
thực tiễn, đề xuất với Trung ương và tham mưu cho cấp ủy đúng, trúng những vấn
đề cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm; đồng thời, góp phần đề ra những chủ
trương, giải pháp sát đúng tình hình, phục vụ tốt hơn cho công tác lãnh đạo, chỉ
đạo.
Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.
Công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã từng bước trở thành việc làm
quan trọng, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên;
đồng thời, kết hợp hài hoà giữa “xây” và “chống”. Việc đẩy mạnh Học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung
ương “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết
ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các
quy định của Đảng được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện
nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong cả hệ thống
chính trị và toàn xã hội.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều chủ động
xác định chủ đề, chỉ đạo biên soạn nội dung sát với yêu cầu nhiệm vụ và tình
hình thực tế tại địa phương; đồng thời, đảm bảo tổ chức triển khai học tập
chuyên đề trong toàn tỉnh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu hàng năm(10).
Căn cứ Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cấp, các ngành
trong tỉnh đều chủ động tổ chức triển khai, xác định giải pháp cụ thể xoay
quanh các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo
đức, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các
cấp; nâng cao chất lượng tổ chức học tập, sinh hoạt thường xuyên nội dung
chuyên đề của tỉnh; tổ chức làm theo và nêu gương bằng những việc cụ thể, thiết
thực; định kỳ tổ chức Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ
thuật và báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả
trong học tập và làm theo Bác(11).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy luôn chú trọng phân
công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, hợp lý; đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả
hệ thống chính trị và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khắc phục,
ngăn ngừa bệnh hình thức, bệnh thành tích; thiếu trung thực, nói không đi đôi với
làm. Thông qua đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần cho việc học tập
và làm theo Bác ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong toàn xã hội; từng bước trở
thành hành động tự giác, thường xuyên của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ,
đảng viên và tạo ra những chuyển biến tích cực, thực chất trong xây dựng văn
hoá, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh
tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo.
Bên cạnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; luôn đặt ra những
vấn đề mới, yêu cầu mới và đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng.
Trên cơ sở tiếp tục thực hiện tốt phương hướng trong công tác xây
dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định,
như: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị… Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về
tư tưởng… Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”(12); Đảng bộ An Giang
sẽ tăng cường đổi mới, nâng cao tính chiến đấu, sức thuyết phục và hiệu quả
trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”.
Thông qua nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về
chính trị, tư tưởng và đạo đức - thật sự làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực
ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội; làm cho ý Đảng hợp với
lòng dân; tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; góp phần thiết
thực xây dựng đạo đức, văn hóa, hình ảnh quê hương, con người An Giang và khơi
dậy ý chí, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng./.
TRẦN THỊ THANH HƯƠNG
UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy,
Trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh An Giang
________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.180.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An
Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 72.
3. Có những hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến
được tổ chức đến 230 điểm cầu với hơn 14.000 đại biểu tham dự. Tỷ lệ cán bộ, đảng
viên tham gia học tập, quán triệt đạt từ 97-98%.
4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành tổng kết 10
năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU về “Chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém
trong triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng” nhằm tiếp tục chấn
chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác triển khai, quán
triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
5. Hội thảo khoa học cấp
tỉnh xoay quanh các chủ đề, như: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong
tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang”; “Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người
Cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của Cách mạng Việt Nam”… Đặc biệt, năm
2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp tỉnh
“An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022)” làm cơ sở, luận cứ
khoa học để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày 22/11 hằng năm
là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang”.
6. Góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện trọng
đại của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày truyền thống thành lập tỉnh (1832 -
2022); Lễ khởi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần
Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tại tỉnh An Giang; Khởi công dự án tuyến nối Quốc lộ
91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Lễ Công bố thành lập thị xã Tịnh Biên
thuộc tỉnh An Giang; cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hoà bình” nhân kỷ
niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch
Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023);…
7. Thông
qua nhiều chuyên trang, chuyên mục: “Sinh hoạt tư tưởng”, “Hiểu đúng”, “Bảo vệ
nền tảng tư tưởng” trên Báo An Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang,
trên Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh và các cổng, trang tin điện tử của các
địa phương, đơn vị… Thông qua các nhóm: “Dân An Giang”, “Quê hương An Giang”,
“An Giang ngày mới”… thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân
dân (hàng năm chia sẻ, lan tỏa gần 5.000 tin tức, hình ảnh, bài viết với gần
30.000 lượt xem).
8. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng Đề án số
07-ĐA/TU, ngày 12/8/2020 về "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020-2025".
9. Triển khai ký kết phối hợp
giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của
Ban Bí thư về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước
cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm”.
10. Năm
2022 An Giang lựa chọn chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong,
gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Năm 2023 lựa chọn chủ đề:
“Xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh”.
11. Mỗi năm, An Giang giới thiệu cho báo chí
trong tỉnh và Trung ương tuyên truyền, nhân rộng trên 150 điển hình.
12. Đảng Cộng
sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t. 1, tr. 40.