Với vị trí địa lý khá thuận lợi, khoảng cách đường bộ từ Bến Tre đến Thành phố Hồ Chí Minh 88 km và từ Bến Tre đến thành phố Cần Thơ 110 km, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện và phân bố đều khắp trong tỉnh; từ khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào sử dụng, Bến Tre đã phá được thế biệt lập và tạo tuyến đường bộ thông suốt đi Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh, thành trong khu vực. Mặt khác, Bến Tre thuộc khu vực tam giác hệ thống sông Tiền nên thuận lợi về đường thủy, với 04 hệ thống sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết kinh tế tỉnh Bến Tre với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo điều kiện để khơi dậy và phát triển mạnh mẽ tiềm năng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển; với khoảng 72.770ha cây dừa, 27.855 ha cây ăn trái, 45.000 ha nuôi thủy sản, 3.845 tàu khai thác thủy sản, với công suất bình quân 346 CV/tàu,… Thời gian qua, Bến Tre rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đến nay đã có 5 chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành và phát triển (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn và tôm biển) và 03 chuỗi đang xây dựng (hoa kiểng, bò và heo). Bến Tre có 02 khu công nghiệp gồm Giao Long (quy mô 170 ha) và An Hiệp (quy mô 72 ha) (thuộc huyện Châu Thành) hiện đã lấp đầy 100% diện tích, hiện đang triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Phú Thuận (quy mô 230 ha, thuộc huyện Bình Đại); 10 cụm công nghiệp ở các huyện, với tổng diện tích 347,3 ha; có 57 làng nghề đã được công nhận. Các thành phần kinh tế được quan tâm thành lập mới và phát triển khá tốt, đến nay toàn tỉnh có 4.903 doanh nghiệp với vốn đăng ký 44.242,063 tỷ đồng; Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” được triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu khá quan trọng, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ và phát huy khá tốt,...
Những năm gần đây, tình hình đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng rất được quan tâm, hàng loạt các công trình, dự án trên các lĩnh vực được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đến nay, tất cả các cầu trên các tuyến đường chính của tỉnh đều đã được bê tông hóa, tạo giao thông thông suốt và an toàn; bên cạnh đó, Bến Tre cũng chú trọng đến phát triển đô thị, thành phố Bến Tre đạt đô thị loại II, có 02 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V. Hệ thống cung cấp điện, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bưu chính viễn thông, tín dụng ngân hàng, dịch vụ vận tải,… được quan tâm đầu tư phát triển cả về quy mô và chất lượng phục vụ. Đến nay, có 99.93% hộ dân được sử dụng điện; 98.5% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 61% sử dụng nước sạch. Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội cũng được quan tâm đầu tư, hệ thống trường lớp, bệnh viện và trạm y tế cơ sở,... được xây dựng và mở rộng; phối hợp thành lập và đưa Phân hiệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre (đang phối hợp thực hiện quy trình thành lập Đại học Bến Tre - Trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) từng bước đi vào hoạt động ổn định, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh và khu vực; đã xây dựng 157/157 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, 100% Trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi để chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, 100% xã có y tế ấp, 96,5% ấp có y tế ấp, 79,70% tổ nhân nhân tự quản có TNVSKCĐ, 93,6% TYT xã có cán bộ YHDT; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ngày càng phát triển, Đến cuối năm 2020, Bến Tre hiện có 51 xã nông thôn mới, huyện Chợ Lách đạt huyện nông thôn mới, thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 05 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, có tiến bộ, nội dung và hình thức đổi mới khá phong phú; hệ thống thông tin đại chúng phát triển rộng khắp đến cơ sở, góp phần nâng cao dân trí và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Thực hiện truyền thống quý báu của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Bến Tre luôn quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo, neo đơn. Bến Tre hiện có 6.910 Bà Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng (có 268 Bà mẹ còn sống và được phụng dưỡng), hàng năm tổ chức điều dưỡng trên 1.000 lượt người có công và hỗ trợ hơn 7.000 người có công điều dưỡng tại gia đình, phục hồi sức khỏe; tỷ lệ hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân đạt 98,96% và có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Công tác giảm nghèo được tập trung thực hiện tốt, thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, cải thiện kết cấu hạ tầng, nhà ở,… đã tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo tham gia sản xuất, tiếp cận với các dịch vụ xã hội, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; tỷ lệ hộ nghèo của Bến Tre cuối năm 2020 còn 3,60%.
Bến Tre có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia, 04 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh, trong đó có nhiều nơi khá quen thuộc, như: Khu mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), khu di tích Đồng khởi Bến Tre (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam), mộ Nhà giáo Võ Trường Toản (làng Bảo Thạnh, Ba Tri), đình Phú Lễ (Ba Tri), đình Bình Hòa (Giồng Trôm), di tích căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định, di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam (Thạnh Phú), Nhà Cổ Hương Liêm, Nhà ông Nguyễn Văn Trác, đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát (Châu Hưng, Bình Đại), đền thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (Mỹ Thạnh, Giồng Trôm), đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phan Văn Trị (Giồng Trôm), Trương Vĩnh Ký (Chợ Lách), mộ Cụ Phan Thanh Giản (Ba Tri). Ngoài ra, có các điểm du lịch: Cồn Phụng, Resort Forever Green (Châu Thành), cồn Bững (Thạnh Phú), cống đập Ba Lai (Ba Tri)...; các lễ hội truyền thống hàng năm như: Kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi 17/1; lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh (ngày 01/7 hàng năm nhân ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu); lễ hội Cây trái ngon, an toàn được tổ chức vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm,... Hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, để thu hút khách du lịch và góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng Khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và nông nghiệp giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; phát triển Bến Tre về hướng Đông, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”.
Để thực hiện đạt được các mục tiêu trên, Tỉnh ủy khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội thành 06 nghị quyết, 06 đề án, 04 chương trình, 02 chỉ thị; tập trung chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá, 11 công trình, dự án trọng điểm; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chương trình, phong trào thiết thực, như: Chủ trương phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ địa bàn theo phương châm "Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp; xã nắm tới hộ gia đình", phong trào thi đua "Đồng Khởi mới", Chương trình "Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp",... Năm 2021, Tỉnh uỷ xã định chủ đề là “Đồng thuận - Sáng tạo”, nhằm tập sự thống nhất, đồng thuận trong nội bộ, Nhân dân; sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong quá trình tổ chức quán triệt và cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Đại hội; kết quả của năm 2021 với vị trí là năm đầu nhiệm kỳ sẽ tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ban biên tập