Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chủ trì buổi làm việc
Ngay sau khi Quyết định số 714-QĐ/TU ngày 15/1/2024 của BTV Tỉnh ủy về thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là BCĐ 714) được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh (cơ quan Thường trực BCĐ 714) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban hành các văn bản và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 1.180 nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới, trong đó xây mới 739 nhà; sửa chữa 441 nhà.
Sau hơn 3 tháng triển khai (từ ngày 8/3/2024), Chương trình đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân. Đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tiếp nhận đăng ký gần 90 tỷ đồng, hơn 51 nghìn ngày công và nhiều nguyên vật liệu. Đến ngày 20/6/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 38 tỷ đồng ủng hộ Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát thông qua quỹ “Vì người nghèo” các cấp.
Nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động, sáng tạo trong triển khai từ khâu rà soát, bình xét tới quá trình thi công như: Huyện Tân Yên sớm rà soát, phân loại đối tượng, tổ chức vận động, kết nối giữa đơn vị tài trợ với nhu cầu của hộ gia đình; kết quả, các cấp trên địa bàn huyện đã vận động được hơn 6,5 tỷ đồng (vượt đăng ký hơn 2 tỷ đồng).
Huyện Lạng Giang triển khai xây dựng mô hình nhà lắp ghép có nhiều ưu điểm, chi phí bằng một nửa so với nhà truyền thống. Thị xã Việt Yên vận động hỗ trợ 7 hộ gia đình với tổng trị giá hơn 900 triệu đồng theo hình thức “Chìa khóa trao tay” đối với hộ gia đình không có khả năng đối ứng.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị
Đối với hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới, tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn 235 hộ có nhà ở xuống cấp đề nghị hỗ trợ, trong đó xây mới 110 nhà, sửa chữa 125 nhà. Thời điểm này, đã có 13 doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đăng ký ủng hộ người có công với số tiền 4,3 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã khởi công 89 nhà, hoàn thiện, bàn giao 26 nhà.
Thảo luận tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu phân tích, làm rõ thêm một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai như: Công tác vận động kinh phí để hỗ trợ ở một số địa phương còn chậm; lúng túng trong việc xác định đối tượng triển khai vận động, hỗ trợ. Ở các huyện Lục Ngạn, Yên Dũng… có những hộ thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát song chưa đủ điều kiện về quyền sử dụng đất. Một số hộ không có khả năng đối ứng để xây dựng, sửa chữa nhà ở…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BTV Tỉnh ủy trong năm 2024. Thời gian qua, chương trình được tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện khá bài bản. Để chương trình mang lại hiệu quả hơn nữa, đạt mục tiêu đề ra, đồng chí đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan bám sát Kế hoạch 38, ngày 26/2/2024 của BCĐ 714 trong tổ chức thực hiện.
Các ngành, thành viên BCĐ rà soát lại các văn bản để nắm chắc nhiệm vụ được phân công. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về quy trình, thủ tục làm hồ sơ theo quy định. Quá trình kiểm tra, giám sát cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, đề nghị các địa phương thường xuyên công khai kinh phí vận động hỗ trợ. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công.
Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương liên quan rà soát hồ sơ về đất đai để việc xây dựng nhà ở của các hộ bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Tăng cường hơn nữa công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Kịp thời biểu dương, ghi nhận sự đóng góp, giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Theo Baobacgiang.vn