Gắn “sao” cho sản phẩm
Lục Ngạn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng các sản phẩm OCOP, với 44 sản phẩm (40 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 4 sao), đây đều là những mặt hàng có thế mạnh của địa phương. Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, đặc biệt thích hợp để hình thành vùng trồng cây ăn quả hàng hóa tập trung chất lượng cao như: Vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo, ổi, nho, thanh long. Ngoài ra, trên địa bàn có các làng nghề truyền thống, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng…
Sản phẩm OCOP mỳ Chũ của HTX Dịch vụ sản xuất, tiêu thụ mỳ Chũ Thuận Hương (Lục Ngạn). |
Phát huy lợi thế này, huyện đã tập trung rà soát, lựa chọn và hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đồng thời định hướng xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Ngành chức năng của tỉnh và huyện hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, quan tâm xây dựng câu chuyện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhiều mặt hàng OCOP đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, doanh thu và lợi nhuận của chủ thể tăng lên, một số được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Tân Yên được đánh giá có nhiều lợi thế bởi đây là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của tỉnh. Huyện có rau màu, cây ăn quả đa dạng, có làng nghề truyền thống. Hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế về nguyên liệu, văn hóa và tri thức bản địa, đến nay toàn huyện phát triển được 33 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao), chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu. Tiêu biểu như: Vải sớm, vú sữa, măng lục trúc, nem nướng, sâm Nam núi Dành, mật ong, dưa chuột, dưa lưới, ổi, mỳ gạo, tương, chè lam…
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, bên cạnh hỗ trợ xây dựng hồ sơ, địa phương tạo điều kiện tốt nhất để các chủ thể tham gia hội chợ, triển lãm trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Năm nay, trên cơ sở rà soát tiềm năng, huyện lựa chọn 22 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đây là các nông sản đặc trưng, sản phẩm truyền thống như: Dầu lạc, trà vối lá nếp, trà ngô bao tử, cốm diếp cá, rượu sâm núi Dành, trà hoa sâm, bánh quế, ổi lê... Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện đang triển khai thực hiện mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái núi Dành và du lịch sinh thái ven sông Thương tại xã Liên Chung, hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá trong Chương trình OCOP.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phía Bắc và cả nước. Chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì sản phẩm ngày càng được chú trọng, thể hiện trình độ sản xuất của chủ thể có sự tiến bộ rõ rệt. Theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Bắc Giang, Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đây đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người dân và các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức người tiêu dùng.
Một số địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP như huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên và TP Bắc Giang. Các sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú về chủng loại, có minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc, được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như: ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ công bố chất lượng, câu chuyện sản phẩm; hình thức mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp, bắt mắt…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Luy, thực hiện Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2025, mức hỗ trợ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia đánh giá phân hạng lần đầu là 50 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao; 150 triệu đồng/sản phẩm 4 sao; 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao. Đây là nguồn hỗ trợ lớn để các chủ thể không ngừng cải thiện, nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu theo từng tiêu chí và thị trường tiêu thụ.
Để đạt mục tiêu hết năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 350 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu kế hoạch đến năm 2025), ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn chủ thể tham gia xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ sản xuất.
Chú trọng hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế, điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch nông thôn và nông sản đặc trưng. Khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống. Tiếp tục quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Theo Baobacgiang.vn