Sign In

Bắc Giang: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

14:49 02/10/2024
Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng tại số nhà 18-20-22 đường Quách Nhẫn 2A, phường Xương Giang, TP Bắc Giang (Nguồn ảnh: Baobacgiang.vn)

Những kết quả nổi bật sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 65-KH/TU, ngày 22/02/2019 để triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, đã đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công rõ trách nhiệm thực hiện cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó lồng ghép nội dung các nhiệm vụ, giải pháp về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 30-CT/TW bảo đảm phù hợp với tình hình của tỉnh.

Chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với đánh giá cấp ủy, chính quyền các cấp. Các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường đăng tải các tin, bài, mở chuyên trang, chuyên mục phản ánh về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình và phê phán những hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Từ tháng 02/2019 đến tháng 8/2024, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã đăng tải, phát sóng khoảng trên 1.800 tin, bài, ảnh, video, clip và 700 tin, bài, phóng sự,... có nội dung liên quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc và kiểm tra đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện đồng bộ chủ trương, quan điểm của Trung ương trong các hoạt động triển khai cũng như thống nhất về nhận thức của cán bộ các cấp từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ động rà soát, tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của thương mại điện tử. Tăng cường quản lý và công khai, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, triển khai liên tục, qua đó đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Các cơ quan chức năng của tỉnh chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã tuyên truyền, tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Qua công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đã phát hiện các hành vi vi phạm như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, quy định an toàn thực phẩm...

Giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 08/2024, các ngành chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác phối hợp, đấu tranh có hiệu quả, kiểm tra 19.099 vụ; phát hiện, xử lý 11.138 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, thu lợi bất hợp pháp và trị giá hàng tiêu hủy trên 1.103 tỷ đồng; trong đó: Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 7.616 vụ, số vụ xử lý: 4.335 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, thu lợi bất hợp pháp và trị giá hàng tiêu hủy trên 146 tỷ đồng. Một số lĩnh vực, hành vi vi phạm như: Kinh doanh hàng giả (kiểm tra, xử lý 507 vụ; số tiền xử phạt: 2.852.532.500 đồng), kinh doanh hàng nhập lậu (kiểm tra, xử lý 141 vụ; số tiền xử phạt: 2.194.955.000 đồng), thương mại điện tử (kiểm tra, xử lý 25 vụ; số tiền xử phạt: 435.300.000 đồng)...; Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý 2.183 vụ việc, 2.321 trường hợp về các hành vi vi phạm pháp luật như: Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, an toàn thực phẩm; đã khởi tố: 215 vụ án, 301 bị can; xử lý hành chính 1.958 vụ việc với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt và bán hàng hoá phát mại khoảng 19,57 tỷ đồng; thu giữ nhiều loại tang vật, hàng hoá vi phạm như: Quần áo, phân bón, mỹ phẩm, thực phẩm… Qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đã góp phần răn đe, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giúp môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cấp cấp, các ngành trong toàn Đảng bộ tỉnh cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Mộtlà, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 30-CT/TW và các quy định của pháp luật, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội trong việc thực hiện và giám sát công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức bảo đảm thiết thực và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Phổ biến, công khai quy trình, cách thức phản ánh, khiếu nại khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm hoặc khi phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm,...; tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3.

Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng; xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực hiện tốt các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bốn là, ban hành, cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước và nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển các hình thức giao dịch thương mại điện tử.

Nămlà, thực hiện tốt việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh; đề cao văn hóa doanh nghiệp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh gắn trách nhiệm thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc nâng cao lợi thế, cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, coi đây là lợi thế cạnh tranh của đơn vị, doanh nghiệp, từ đó chủ động, tự nguyện thực hiện tốt các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bùi Công Vĩ

Tag:

File đính kèm